Thú cưng lên đời: Chi phí nuôi chó, mèo mỗi tháng đắt đỏ cỡ nào?
Từ chỗ chỉ cần “ăn no, ngủ yên”, thú cưng – đặc biệt là chó, mèo – ngày càng được đối xử như những “thành viên chính thức” trong gia đình. Kéo theo đó, chi phí chăm sóc cũng không còn là chuyện nhỏ. Vậy nuôi một chú chó hay mèo hiện nay thực sự tốn bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Từ bữa ăn, chăm sóc y tế đến spa: Thú cưng không khác gì người
Trước đây, chó mèo thường ăn cơm thừa, canh cặn, ăn chung với người. Nhưng hiện nay, không ít chủ nuôi sẵn sàng chi mạnh tay cho những bữa ăn “chuẩn dinh dưỡng” dành riêng cho thú cưng.
Một bao thức ăn hạt nhập khẩu cho chó phổ biến như Royal Canin có giá khoảng 300 – 1,2 triệu đồng, đủ dùng trong 1 – 2 tháng tùy giống chó. Ngoài ra, nhiều người còn mua thêm pate tươi, snack, vitamin bổ sung, với tổng chi phí dao động từ 300.000 – 700.000 đồng/tháng.
Thức ăn hạt nhập khẩu cho thú cưng - khoản chi cố định mỗi tháng của chủ nuôi (Nguồn: Paddy.vn).
“Tính sơ sơ mỗi tháng mình chi khoảng 500 - 1 triệu đồng/ con. Chưa kể tháng nào bệnh là phải mang đi khám hay chích ngừa… Có lần chó nhà mình bị nấm, tiền viện phí cho 3 lần điều trị gần 2 triệu.” chị Thùy Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Khám bệnh, chích ngừa hay điều trị các bệnh ngoài da – khoản chi mà chủ nuôi cần dự trù sẵn (Nguồn: NVCC).
Bên cạnh ăn uống và y tế, dịch vụ spa, làm đẹp cho thú cưng cũng phát triển nở rộ. Một lần tắm, sấy, cắt tỉa lông tại cửa hàng chăm sóc thú cưng có giá từ 200.000 – 500.000 đồng. Những gói “cao cấp” có thể bao gồm nhuộm lông, massage, gắn đá lấp lánh – với chi phí lên đến tiền triệu.
Bảng giá chăm sóc tại 1 tiệm thú cưng (Nguồn: ILU PET)
Chi phí nuôi thú cưng không dừng lại ở ăn uống và làm đẹp. Theo thống kê từ chuỗi cửa hàng thú cưng ILU PET tại Hà Nội, trung bình mỗi khách hàng chi khoảng 1 – 2 triệu đồng/tháng cho một thú cưng, gồm:
Dụng cụ đi kèm như bỉm, khay vệ sinh, nước khử mùi, bàn cào móng, đệm ngủ...
Đó là chưa kể các khoản phát sinh như khám bệnh, tiêm phòng, phẫu thuật triệt sản, thậm chí là tổ chức sinh nhật hay ký gửi thú cưng khi chủ vắng nhà.
Thú cưng trở thành “biểu tượng sống” của phong cách cá nhân
Không còn là vật nuôi đơn thuần để giữ nhà hay bắt chuột, thú cưng hiện nay được xem là người bạn đồng hành, “người thân không lời” và là phương thức thể hiện phong cách sống.
Việc nuôi một chú mèo Anh lông ngắn thuần chủng hay chó Poodle mini, Corgi, Golden không chỉ là để bầu bạn mà đôi khi còn mang tính “thể hiện cá nhân”. Trên mạng xã hội, hình ảnh thú cưng mặc đồ, đi dạo phố, đi cafe hay check-in tại studio không còn xa lạ.
Thú cưng mặc quần áo đẹp check in tràn lan trên mạng xã hội (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)
“Tôi nuôi con mèo Scottish Fold. Nhìn nó vui đùa mỗi ngày khiến mình giảm stress đáng kể sau giờ làm. Nuôi thú cưng tự mình chăm sóc, dù tốn tiền nhưng thấy rất đáng”, chị Nguyễn Thảo (2002, Hà Nội) bày tỏ.
Mặt trái: Khi “cơn sốt thú cưng” trở thành áp lực tài chính
Tuy nhiên, phía sau làn sóng yêu thú cưng cũng dần lộ rõ những hệ lụy đáng lo. Nhiều người trẻ nuôi chó, mèo theo trào lưu mà không tính toán kỹ chi phí lâu dài, dẫn đến trường hợp bỏ rơi, gửi nhờ, thậm chí thả rông ngoài đường khi không còn đủ khả năng chăm sóc.
Nhiều chú chó, mèo bị bỏ rơi vì chủ không còn khả năng tài chính hoặc thời gian để tiếp tục chăm sóc (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).
Việc thiếu trách nhiệm nuôi dưỡng không chỉ gây tổn thương cho động vật mà còn tạo thêm gánh nặng cho các tổ chức cứu hộ vốn đã quá tải cả về tài chính lẫn nhân lực.
Nuôi thú cưng là một lựa chọn đầy yêu thương, nhưng cũng đi kèm trách nhiệm rõ ràng về tài chính, thời gian và tình cảm. Đừng để sự dễ thương ban đầu của một chú chó, mèo trở thành áp lực về sau – cho cả người nuôi và chính những sinh vật nhỏ bé, tin tưởng ta vô điều kiện.
Không chỉ đơn giản là hỏa táng hay chôn cất, dịch vụ tang lễ cho thú cưng với nhiều dịch vụ bổ sung độc đáo đang ngày...