Nóng nhất trong ngày: Giá vàng tiệm cận 102 triệu đồng/lượng; Vớt côn trùng "vật vờ" ở sông Hồng kiếm bộn tiền
Giá vàng nhẫn 999.9 tiệm cận 102 triệu đồng một lượng; Vớt loài côn trùng sống “vật vờ” ở sông Hồng, dân thi nhau mua với giá 300.000 đồng/kg... là những tin tức thị trường hot nhất hôm nay.
Giá vàng nhẫn 999.9 tiệm cận 102 triệu đồng một lượng
Giá vàng trong nước nóng từng ngày, hiện mỗi lượng vàng nhẫn 999.9 đã được bán ra với giá gần 102 triệu đồng, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Trong 3 phiên gần đây, mỗi lượng vàng thế giới tính theo giá quy đổi tăng khoảng 3,1 triệu đồng, ngang bằng với chiều bán ra của vàng miếng SJC. Đầu giờ chiều ngày 31-3, giá vàng miếng tại Công ty SJC niêm yết ở mức 99,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và 101,8 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1,1 triệu đồng ở cả hai chiều so với cuối tuần trước, xác lập kỷ lục cao mới nhất của vàng miếng SJC.
Trong khi giá vàng miếng được các doanh nghiệp kinh doanh vàng niêm yết mức giá khá tương đương nhau, nhưng riêng vàng nhẫn 999.9 thì mỗi nơi bán một giá. Chẳng hạn, vàng nhẫn 999.9 tại Công ty Mi Hồng đang được giao dịch ở mức 98,6 triệu đồng/lượng (mua) và 100 triệu đồng/lượng (bán), giữ nguyên giá mua vào và tăng thêm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm trước.
Trong khi đó, tại Công ty SJC giá vàng nhẫn trơn neo ở mức 99 – 101,2 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên gần nhất. Công ty PNJ cộng thêm tới 1,1 triệu đồng/lượng, nâng giá mua – bán nhẫn tròn trơn lên ngang bằng với giá vàng miếng SJC, 99,5 – 101,8 triệu đồng/lượng.
Thậm chí, tại công ty Bảo Tín Mạnh Hải và công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn 999.9 hiện đang được giao dịch với giá 99,6 triệu đồng/lượng mua vào và 101,9 triệu đồng/lượng bán ra. Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn 999.9 từ trước đến nay.
Vớt loài côn trùng sống “vật vờ” ở sông Hồng, dân thi nhau mua với giá 300.000 đồng/kg
Loại côn trùng này được coi là đặc sản chỉ có tại sông Hồng, có thể chế biến được nhiều món ngon. Vì vậy, mỗi khi đến mùa, chúng được nhiều người lùng mua với giá đắt đỏ.
Được coi là loài côn trùng chỉ có tại sông Hồng, con vờ thường xuất hiện mỗi năm vài lần từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch. Vì vậy, những ngày này, người dân làm nghề đánh bắt cá ở sông Hồng lại tất bật với mùa săn con vờ vờ.
Ngư dân thu hoạch con vờ ở sông Hồng. Ảnh: Nguyễn Ngọc Phóng
Gắn bó với nghề thuyền chài ở sông Hồng từ vài chục năm nay, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga (SN 1981), trú tại thôn 4, xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, con vờ nhỏ hơn con châu chấu, màu trắng, cánh mỏng, bay vật vờ ở mặt nước nên người dân gọi là con vờ vờ.
Thông thường, con vờ chỉ xuất hiện mỗi năm một lần và chỉ sống được vài giờ rồi chết. Khi con vờ chết, xác của chúng sẽ trôi theo dòng nước biến mất. Vì vậy, để canh đúng giờ con vờ nổi lên mặt nước, hai vợ chồng chị phải dậy từ 4 giờ sáng. Để vớt vờ, vợ chồng chị Nga phải dùng thuyền gắn vợt lưới rồi vớt. Năm nào vờ nổi nhiều, mỗi ngày hai vợ chồng vớt được vài chục cân. Bán với giá trung bình từ 250-300 nghìn đồng/kg. Năm nào mất mùa, vờ nổi lên ít, nửa triệu đồng/kg vẫn không có vờ để bán.
Rau “vàng mười” đắt đỏ: Mất ngon sau 15 phút, giá “chát” vài triệu/kg vẫn hút khách
Nếu bạn là người yêu thích ẩm thực Nhật Bản, wasabi chắc hẳn là gia vị không hề xa lạ. Tuy nhiên, ít ai biết wasabi lại là một trong những loại rau đắt nổi tiếng, ngoài ra còn khó trồng và khó giữ tươi. Để trồng được wasabi phải chọn nơi vừa đủ sáng, quá nhiều hay quá ít ánh sáng đều không phù hợp. Nếu bị nắng chiếu trực tiếp, lá cây sẽ úa vàng. Ngược lại nếu trồng ở chỗ tối, cây sẽ bị ốc sên tấn công.
Wasabi ở Nhật Bản phải mất 2 năm để trồng, việc chăm sóc cũng rất tốn công sức. Ngoài ra, wasabi cũng phân bố ở một số quốc gia khác như Trung Quốc và hiện cũng được trồng ở Lâm Đồng, Việt Nam.
Tuy nhiên, do môi trường canh tác đặc thù, diện tích trồng trọt phù hợp hạn chế và nhu cầu thị trường lớn nên nguồn tài nguyên này rất khan hiếm. Điều này đẩy mức giá wasabi lên rất cao.
Tại Việt Nam, vào năm 2022, 1kg củ wasabi tươi đã có giá lên đến 6 triệu đồng. Ở Nhật Bản, 1 củ wasabi tươi có thể bán với giá lên đến 1.400 yên (228.000đ). Tại Trung Quốc, củ wasabi tươi hiện có giá xuất khẩu lên đến 600 - 1.200 NDT (2 - 4,1 triệu đồng)/kg. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua nước sốt wasabi tươi đóng gói với giá khoảng 600.000đ/kg.
Hà Nội: Trung tâm thương mại "rỗng" khách, nhiều nơi thành chỗ... thể dục
Nhiều trung tâm thương mại vốn từng là khu vui chơi mua sắm sầm uất bậc nhất ở Thủ đô, nay rơi vào cảnh kinh doanh èo uột, khách thuê trả mặt bằng hàng loạt.
Nằm ở vị trí đắc địa trên mặt đường Cầu Giấy, Trung tâm thương mại Discovery Complex gồm 8 tầng, nằm trong tổ hợp chung cư, văn phòng, thương mại dịch vụ. Dự án được khởi công vào năm 2004, hoạt động từ 2018. Mỗi tầng có hơn 20 gian hàng cho thuê kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại có tới 80% diện tích mặt bằng bị bỏ trống.
Trung tâm thương mại trở thành nơi đi dạo, tập thể dục của cư dân. Ảnh: Tiền Phong
Vốn là cư dân sống tại khu dân cư của toà nhà, bà Minh Lan (ở Cầu Giấy) chiều nào cũng đưa cháu tới khu vực sảnh trung tâm thương mại để đi dạo. "Chỉ có tầng 2 này thoáng và có điện sáng nên tôi và nhiều người sống tại đây tới đi dạo, tập thể dục. Mặt bằng bị trả nhiều trong 1, 2 năm nay. Dù vị trí đẹp thế nhưng tình trạng vắng vẻ cũng diễn ra lâu rồi", bà Lan cho biết.
Nhiều tầng tắt đèn. Hệ thống thang máy, thang cuốn không hoạt động dù vào ngày cuối tuần. Dù được phân khu từng tầng cho các hoạt động dịch vụ nhưng chỉ có tầng trệt và tầng 2 lác đác 1,2 đơn vị thuê. Theo các chuyên gia, một số thương hiệu phải rời đi do giá thuê quá cao so với sức chịu đựng, trong khi nhiều trung tâm thương mại đang thay đổi và thay thế các thương hiệu cũ khiến công suất thuê giảm.
Loại củ "đẻ ra vàng" Việt Nam có rất nhiều nhưng lại là hàng hiếm có khó tìm của thế giới: Thu hơn 12 triệu USD từ đầu năm
Củ nghệ là một loại gia vị quen thuộc của người dân Việt Nam và dễ dàng tìm mua tại các chợ, siêu thị. Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nilgeria.
Ở Việt Nam, nghệ cũng là một cây trồng có ở nhiều nơi, từ vùng đồng bằng ven biển đến vùng núi cao trên 1500 m, thậm chí tại nhiều nơi còn mọc hoang ở các đồng ruộng, nương rẫy. Là thực vật thân thảo lâu năm, cây nghệ có thể đạt đến chiều cao 1 mét, tạo nhánh cao, có màu vàng cam, hình trụ và thân rễ có mùi thơm.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới, với hơn 50.000 ha (tính đến năm 2021). Nghệ được trồng chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông... Nghệ Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng curcumin cao, từ 3-5%
Theo số liệu thống kê sơ bộ 2 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 5.949 tấn nhóm gừng, nghệ và gia vị khác, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, lượng xuất khẩu tăng mạnh 30,9% và kim ngạch tăng 69,9% với tinh bột nghệ là một trong những sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam.
Trước đó trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 29.544 tấn gừng, nghệ và gia vị khác, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 59,5 triệu USD, so với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 15,5% tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng 20,7%. Synthite Việt Nam, Expo Commodities và Phúc Lợi là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất ở mặt hàng này.
Giá vàng hôm nay 30-3: Sắp bỏ xa mốc 100 triệu đồng/lượng vẫn đồng loạt được dự báo tăng tiếp; Cây “mọc ra kem”, hái bán...