Nhìn không có gì đặc biệt, loại cây này lại có giá lên đến vài trăm triệu đồng
Bạch trà, trà thâm hay trà thâm hồng bát diện… có tuổi đời lên đến vài chục năm. Tuy trà cổ không có dáng thế kiểu bonsai như cây cảnh nhưng mỗi cây có giá vài trăm triệu đồng.
Chủ nhân của những cây trà cổ là anh Bùi Đức Dũng (TP. Việt Trì, Phú Thọ), anh Dũng được biết đến là người yêu thích những cây bản địa, quý hiếm như: Cây trà, mộc hương, si, sanh, mẫu đơn…
Anh Dũng cho biết, anh là người chơi trà cổ đã nhiều năm nên sưu tầm được những cây trà cổ quý hiếm, có tuổi đời lên đến vài chục năm. "Trung bình dòng trà cổ thụ thường được trồng 30-40 năm nhưng những cây trà trong vườn nhà tôi có cây lên đến hơn 70 năm, có giá trị rất cao", anh nói tiếp.
“Hiện tại, dòng trà cổ của Việt Nam đều được thương lái Trung Quốc mua gần hết, chủ yếu ở vùng Đông Bắc. Trong vườn nhà tôi giờ có khoảng gần 10 cây trà cổ thụ quý hiếm bậc nhất Việt Nam, khó có thể tìm được những cây như thế này ở các nhà vườn khác”, anh Dũng nói.
Những cây trà cổ thụ có đường kính gốc lên đến 30cm, nổi cục u bướu.
Thân cây mốc thếch chứng tỏ cây rất nhiều năm tuổi.
Chủ nhân vườn trà cổ chia sẻ, trà cổ được rất nhiều người ưa chuộng bởi ngoài vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa. Hơn nữa, cây còn mang nhiều tầng ý nghĩa, triết lý sâu sắc. Người xưa có câu “Vua chơi lan quan chơi trà”, chính vì vậy không phải ngẫu nhiên cây trà được yêu thích từ xưa đến nay.
Những cây trà cổ thụ không có kiểu dáng bonsai nên nhiều người không biết vẻ đẹp của chúng. Khi nhìn thấy đám hoa này trong vườn, không ít người tưởng đó là bụi hoa thông thường, ít ai biết rằng chúng có giá trị lên đến vài trăm triệu đồng/cây, anh Dũng cho hay.
Mỗi loại hoa trà lại có một ý nghĩa biểu tượng riêng. Nếu trà bạch tuyết, hồng trà tượng trưng cho sự tinh khiết, thuần khiết thì trà cung đình hay trà lựu... tượng trưng cho sự cao quý.
Cây bạch trà cổ thụ cực quý hiếm có tán rộng hơn 1m, có tuổi đời lên đến vài chục năm.
Ngoài thân gốc lớn, cây trà cổ này còn có mấy thân nhỏ mọc bên cạnh. Cây trà phát triển rất chậm, nhất là trà bạch mỗi năm chỉ ra 2 lần lộc, mỗi lần cao thêm được chừng 10cm.
Hoa trà chỉ ra 1 vụ trong năm nhưng rất bền, mỗi lứa hoa kéo dài từ 3-4 tháng.
Trà thâm hay trà thâm hồng bát diện với cánh hoa màu đỏ thẫm, cánh kép, gồm 8 lớp cánh xếp chồng lên nhau cực đẹp mắt.
"Hoa trà có giống đơn một hoa, có giống kép nhiều hoa trên một đài gọi là trà “bát diện”. Có giống nhị dài, có giống nhị bị thoái hóa gọi là “không tâm”. Trong đó, giống trà bạch, trà thâm bát diện không tâm là giống quý nhất, sau đó là giống trà cung đình màu phấn hồng và trà lựu màu đỏ rực", anh Dũng chia sẻ.
Đặc điểm của dòng bát diện khi nở là bông to, cuộn hình cầu, cánh hoa xếp xoáy hình như bông lựu.
Hoa trà nhác trông cũng khá giống hải đường nhưng được cái bền đến nửa tháng chứ không chỉ 1-2 ngày là tàn như người họ hàng xa kia. Không thấp thỏm như đào, mai mà hoa trà nở rất đúng hẹn.
Cây trà chuẩn phải là một thân, khoảng cách từ gốc lên cành phát bằng ¼ so với chiều cao toàn thân (độ thoát thân), tán tròn, lá xanh đen, nụ sáng đều.
Khi chăm sóc trà lựu bát diện độ khó cũng tăng theo cấp số nhân, do cây khó lớn, phát triển chậm và yếu so với loại trà thông thường. Vì thế, anh Dũng đã bỏ rất nhiều công nuôi trồng, chăm sóc rất cẩn thận và kỹ càng.
Theo chia sẻ của anh Dũng, anh là người yêu thích những cây bản địa, đặc biệt trà và mộc hương. Chính vì vậy, những cây trà cổ thụ hiện anh đang sở hữu gần như tuyệt chủng nên anh giữ lại nhân giống và không có ý định bán dù nhiều người hỏi mua.