Loại quả giúp nông dân Việt Nam thu về hàng tỷ đồng/năm, Trung Quốc trồng thì thất bại
Loại trái cây này đem lại thu nhập "khủng" cho nông dân Việt Nam.
Sầu riêng là một loại trái cây nhiệt đới nổi bật bởi kích thước lớn và vỏ ngoài cứng, nhọn…Thịt quả phổ biến nhất là màu vàng hoặc trắng ngà, có cả loại ruột đỏ.
Cả thịt và hạt sầu riêng đều có thể ăn được, hạt cần được nấu chín trước khi sử dụng. Hương vị được mô tả là có cả mùi vị của phô mai, hạnh nhân, tỏi và caramel cùng một lúc.
Đây là một loại trái cây rất bổ dưỡng mà giàu chất xơ, vitamin B, vitamin C và các hợp chất thực vật lành mạnh khác nhau bao gồm anthocyanin, carotenoids, polyphenol và flavonoid.
Tại Việt Nam, khu Vực Tây Nguyên là thủ phủ trồng sầu riêng. Trong đó, Đắk Lắk và Lâm Đồng là 2 địa phương trồng nhiều sầu riêng nhất. Loại quả này cũng đem lại nguồn thu nhập khổng lồ, lên đến hàng tỷ đồng cho bà con nông dân.
Quả sầu riêng, được ưa chuộng ở khắp Trung Quốc, nổi tiếng với hương vị béo ngậy và giàu chất dinh dưỡng, liên tục đứng đầu danh sách trái cây nhiệt đới nhập khẩu trong những năm gần đây.
Từ tháng 9/2022, sầu riêng của Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cũng từ đây, loại trái cây này mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành hàng rau quả nước ta.
Tính chung 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu quả sầu riêng đạt tới hơn nửa tỉ USD (503,4 triệu USD), tăng 475,8 triệu USD, gấp hơn 18 lần so với con số 27,6 triệu USD của cùng kỳ năm 2022. So với năm ngoái, giá bán sầu riêng tại vườn đã tăng 15.000-20.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, Trung Quốc mua gần như toàn bộ sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam, với giá trị kim ngạch lên tới 477 triệu USD, chiếm 95% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này.
Trong bối cảnh loại trái cây nhiệt đới này ngày càng được ưa chuộng, đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã tiến hành trồng thử nghiệm loại quả này, nhằm giảm giá thành sản phẩm, phục vụ nhu cầu tăng cao trong nước.
Tuy nhiên, mùa sầu riêng đầu tiên đã thất bại tại Trung Quốc. Sản lượng sầu riêng ước tính chỉ đạt 50 tấn, tức 0,005% tổng lượng sầu riêng tiêu thụ ở Trung Quốc trong năm nay. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 2.450 tấn được đặt ra trước đó.