Loại củ nhà nghèo có khắp nơi ở Việt Nam bỗng thành đặc sản, tươi hay khô đều đắt hàng
Củ tươi, khô hay dạng bột đều rất đắt hàng, không chỉ chế biến được thành nhiều món ăn ngon mà còn có thể làm dược liệu.
Trước đây khi đời sống còn nhiều khó khăn, củ mài được xem là một trong những loại lương thực giúp nhiều người chống đói. Cũng vì thế mà loại củ này khi đó được mệnh danh là "loại củ nhà nghèo".
Củ mài còn được biết đến với các tên gọi như hoài sơn, củ chụp, hay khoai mài, là một loại thảo dược dây leo phổ biến ở rừng miền núi phía Bắc Việt Nam, đặc biệt tập trung ở các tỉnh như Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ninh.
Củ mài to tầm như củ sắn nhưng cắm sâu hàng mét, mỗi dây thường chỉ cho một củ. Đào càng sâu đoạn củ dưới đất càng bở và ngon hơn đoạn gần cuống dây.
Củ mài chứa lượng lớn chất dẻo, tinh bột, protein, axit amin và vitamin tổng hợp. Ngoài làm thực phẩm, củ mài còn được coi là một loại dược liệu quý.
Trong Đông y, củ mài được cho là có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, dưỡng phổi, tăng khả năng miễn dịch.
Với nhiều công dụng và được ứng dụng cả trong ẩm thực lẫn làm dược liệu, nhiều năm trở lại đây, củ mài được săn tìm. Vì thế, củ mài ngoài tự nhiên dần cạn kiệt. Nhiều nông dân bắt đầu mang cây củ mài về trồng để làm kinh tế.
Trên thị trường, củ khoai mài tươi có giá không hề rẻ, dao động 70.000 - 120.000 đồng/kg tùy thời điểm. Vào mùa thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, giá củ mài sẽ rẻ hơn một chút.
Ngoài củ mài tươi, củ mài khô thái lát và bột củ mài cũng rất đắt hàng. Giá bán củ mài khô thái lát khoảng trên 180.000 đồng/kg còn bột củ mài nguyên chất khoảng trên 250.000 đồng/kg.
Với giá trị kinh tế cao, người dân trồng củ mài có thu nhập tốt hơn so với trồng nhiều loại củ khác như khoai, sắn.
Từ củ mài có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon: canh xương hầm củ mài, chè củ mài đậu xanh, cháo củ mài...