"Hốt tiền" từ loài ăn bẩn, ở bẩn tại Việt Nam
Loài cuối cùng còn được nhiều vùng miền coi là… đặc sản thơm ngon khó cưỡng.
Có thể nhiều người sẽ tránh xa những loài động vật, côn trùng “ăn bẩn, ở bẩn” này, tuy nhiên, ít ai ngờ chúng lại dễ dàng đem về lợi nhuận siêu “khủng” cho người nuôi.
Khoảng vài năm trở lại đây, nghề nuôi gián đất đã bắt đầu hình thành và phát triển tại Việt Nam. Gián đất được dùng làm thức ăn cho chim, dược liệu, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc...
Việc nuôi gián đất tương đối đơn giản, chi phí nuôi rất thấp. Người nuôi chỉ tốn khoảng 12.000 đến 15.000 đồng tiền thức ăn cho 1 kg gián đất.
1 cặp gián bố mẹ có thể sinh được khoảng 300-400 con gián đất con. Sau 30 ngày, chúng có thể đạt số lượng từ 800 đến 1.000 con/kg.
Mỗi kg trứng gián có khả năng tạo ra tới… 16.000 con gián đất. Và từ mỗi kg trứng gián đó có thể thu được tới 40-50kg gián khô.
Giá bán của loài này trên thị trường hiện rơi vào khoảng từ 120.000 đến 160.000 đồng/kg.
Nuôi gián đất không cần diện tích lớn, chúng không gây ồn ào như dế và không đòi hỏi kỹ thuật nuôi phức tạp như sâu. Mô hình kinh tế này cũng có đầu ra ổn định.
Sau khi thu hoạch, phơi khô, gián sẽ được bán cho các đầu mối ở tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc).
Theo tìm hiểu, gián khô loại 1 có giá 1.500 đồng/con, còn nếu bán theo khối lượng thì được 1,7 triệu đồng/kg. Gián loại 2, 3 sẽ được phân loại và bán thấp hơn giá trên.
Ngoài loài gián đất, loài giun quế (trùn quế) cũng giúp nhiều người Việt “hái ra tiền”. Thực chất, việc nuôi trùn quế là hình thức chuyển đổi từ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ giàu dinh dưỡng cho cây trồng, vật nuôi.
Ở Việt Nam, trùn quế được nuôi từ những năm 1980. Tuy nhiên thời điểm gần đây, mô hình này mới bắt đầu nở rộ vì người dân bắt đầu nhận thấy những lợi ích to lớn từ nghề này.
Theo những người nuôi giun quế, đây là nghề "một vốn bốn lời". Trùn tươi là một trong những nguồn thức ăn phong phú, giàu dinh dưỡng phục vụ ngành chăn nuôi.
Chi phí đầu tư cho một chuồng nuôi giun quế không tốn kém. Chỉ cần đúc một cái chậu có thể tích khoảng 1m3 (giá trị khoảng 70-80 ngàn đồng) và 4-5kg giun giống xuống (giá bán giun giống hiện nay là 200 ngàn đồng/kg) là đã có thể nuôi trùn.
Ông Hạnh (Đông Anh, Hà Nội) - một người nuôi trùn quế cho biết, chu kì một lứa trùn phát triển là từ 40-45 ngày. Nhà ông có tổng cộng hơn 100m2 chuồng nuôi, mỗi tháng có thể thu hoạch được 3-4 tạ trùn, đem lại thu nhập trung bình trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Nhắc đến những loài “ăn bẩn, ở bẩn” thì chắc chắn không thể thiếu loài chuột. Ở Việt Nam, chuột cống nhum là loại chuột lớn, có lông đen xám với trọng lượng mỗi con trưởng thành lên tới 0,8 kg - 1 kg.
Đối với nhiều người, nhất là dân miền Tây, thịt chuột cống nhum là món khoái khẩu, thậm chí là đặc sản. Mặc dù loài chuột sinh sản rất nhanh, thế nhưng chuột ngoài tự nhiên vẫn cứ khan hiếm, không đủ cung.
Trước nhu cầu của thị trường và lợi nhuận khá cao, nhiều nông dân đã nuôi chuột cống nhum lấy thịt. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay, một cặp chuột cống nhum giống (khoảng 2 tháng tuổi) có giá 100.000 đồng/cặp, 4 tháng tuổi có giá 200.000 đồng/cặp.
Nếu nuôi chuột cống nhum để bán thịt thì khoảng 4 tháng, mỗi con chuột cống nhum có thể cho từ 800g đến 1 kg thịt. Chúng sẽ được thương lái mua tận nơi với giá từ 40.000-60.000 đ/kg.
Ông Đệ (Cần Thơ) - một người nuôi chuột cống nhum cho biết, cứ cách hai tháng ông lại bắt bán 1 tấn chuột, trừ các chi phí, ông có thể thu lời khoảng 10 triệu đồng.