Cây dại ven đường có vị đắng ngắt không ngờ là món ăn ngon lạ, dân hái bán đắt tiền
Dù có vị đắng ngắt nhưng khi làm thành món gỏi, đây lại là món đặc sản rất được ưa chuộng ở An Giang.
Gỏi sầu đâu có xuất xứ ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập về ẩm thực đặc sản Việt Nam theo Bộ Tiêu chí về Ẩm thực - Đặc sản châu Á vào tháng 8/2022
Nguyên liệu chính làm nên món đặc sản này chính là lá sầu đâu. Cây sầu đâu còn có nhiều tên gọi khác như sầu đông, nim, xoan sầu đâu, xoan ăn gỏi...
Với người dân An Giang, sầu đâu là "lộc trời cho" bởi sầu đâu tự mọc, tự lớn, tự đơm hoa kết trái, chẳng cần ai chăm sóc.
Đây là loại cây thân cao và thẳng, không kén đất, dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, vị đắng, hậu ngọt, tính mát
Vào khoảng tháng 10 đến tháng giêng âm lịch, cây sầu đâu bắt đầu thay lá, ra hoa.
Người dân thường hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và bán. Vào lúc cao điểm hút hàng, lá sầu đâu có giá 80.000 đồng/kg; lá sầu đâu có kèm bông lên tới 150.000 đồng/kg.
Sầu đâu ở miền Tây khác với miền Trung nhưng vẫn thường hay bị nhầm lẫn. Loại mọc ở miền Trung toàn thân đều có độc, đặc biệt là lá và quả, còn sầu đâu ở miền Tây lại không độc, vị đắng nhưng rất thơm.
Mỗi khi đến mùa, tại các tuyến đường ở An Giang, người dân bày bán những bó sầu đâu xanh mướt.
Món gỏi sầu đâu chuẩn vị là phải chấm với nước sốt mắm me. Vị mắm me mằn mặn, chua chua cùng mùi thơm nồng của tỏi và ớt băm khiến món gỏi sầu đâu An Giang thêm phần hấp dẫn.
Vì cái tên nghe lạ tai và hương vị độc đáo, gỏi sầu đâu thành món đặc sản hấp dẫn, ai đến đây đều tìm để một lần được ăn thử.