3 loại "lộc trời" người Việt cứ săn được là phát tài
Một trong số 3 loại “lộc trời” này là đặc sản ngon nức tiếng của miền Bắc.
Ở Việt Nam, có nhiều loài đặc sản được coi là “lộc trời” vì không cần đầu tư công sức, tiền của mà lại thu hoạch được nhiều, bán được với giá cao.
Rươi là đặc sản chỉ có tại những vùng nước lợ gần cửa sông, nơi có nước thủy triều lên xuống ở miền Bắc.
Mỗi năm chỉ có 1 mùa rươi từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.
Tuy nhiên, mỗi đợt rươi nổi chỉ khoảng từ 7 – 10 ngày, khung giờ rươi nổi rất khó đoán chính xác (thông thường, rươi sẽ nổi vào những ngày trở trời).
Mùa rươi đến là lúc người dân sẵn sàng mang dụng cụ, xô, chậu để tháo nước “lộc trời”.
Theo kinh nghiệm của các tiểu thương, rươi tại các vùng nước lợ của vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh thường mập, màu sắc hồng sẫm và khi chế biến ngon hơn các vùng khác.
Rươi không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có thể chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như chả rươi, mắm rươi...
Tuy mùa vụ ngắn ngủi nhưng nguồn thu từ việc “săn” rươi mang lại cho nhiều "thợ săn" cả chục triệu mỗi ngày.
Loại rươi nhỏ có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, còn rươi loại mập, hàng được chọn lọc có giá từ 300.000 đến 500.000 đồng/kg.
Từ bao đời nay, lá tre thường bị xem là loại lá bỏ đi, ít giá trị.
Nhưng ở một vùng của Hà Nội, lá tre lại là “lộc trời”, trở thành mặt hàng xuất khẩu và đem lại thu nhập khả quan cho người dân.
Loại lá tre ở đây là tre Bát Độ (hay còn gọi là bương). Khác với lá tre thường, tre Bát Độ có những chiếc lá to bản.
Những chiếc lá tre này được làm sạch bằng phương pháp tự nhiên, không dùng hóa chất nên được xuất khẩu ra nước ngoài để làm vật liệu gói bánh, gói thực phẩm…
Lá tre ở các vùng núi (như Hòa Bình) phát triển tự nhiên, không cần phải chăm sóc. Lá tre sẽ được người dân thu hái, sau đó bán cho các cơ sở thu mua. Mùa thu mua bắt đầu từ tháng 5, 6 âm lịch đến tháng 10 hàng năm.
Lá được chọn phải có chiều ngang khoảng 8,5cm và có màu xanh đều. Nếu lá to, màu vàng cũng phải bỏ đi. Lá càng to dài, màu đẹp giá bán càng cao và ngược lại.
Hiện nay, giá thu mua lá tre khô là 40 nghìn đồng/kg, lá tre tươi là 10 -11 nghìn đồng/kg.
Một cơ sở thu mua lá tre nổi tiếng ở Hà Nội cho biết, trung bình mỗi vụ họ xuất đi từ 100 - 200 tấn lá tre sang nước ngoài.
Ngoài ra, cơ sở chế biến lá tre này còn tạo công ăn việc làm cho hơn 20 bà con trong làng xã và hàng trăm người ở những tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái.
Sau mỗi chuyến lá tre xuất sang nước ngoài, cơ sở này thu về hàng tỷ đồng.
Ốc đinh xoắn là loại ốc nằm dưới biển, cách đất liền khoảng 6 - 8 hải lý, thường được ngư dân vùng biển Quảng Bình đánh bắt bằng tàu.
Tuy nhiên, sau những trận mưa do ảnh hưởng của bão năm 2020, hàng tấn ốc đinh xoắn đã dạt vào bãi biển xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Nhận thấy đây là lộc trời ban nên hàng trăm người dân đã đổ xô ra biển nhặt, vừa chế biến để ăn lại có thêm thu nhập.
Loại ốc này được thương lái thu mua tận nơi với giá 4.000 đồng/kg, còn bán lẻ có giá từ 15-25 ngàn đồng/1kg tùy to nhỏ.
Ước tính sau trận bão 2020, hàng trăm người dân ở Quảng Bình đã ra bờ biển nhặt ốc, trung bình mỗi người thu về khoảng 100kg, gia đình nhiều nhất gần 300 kg, bán được cả tiền triệu. Đây là mức thu nhập vô cùng lý tưởng với nhiều người dân nơi đây.