Mỹ nhân Sharapova giải nghệ: Nữ hoàng đoạt 5 Grand Slam, lập kỳ tích Olympic
(Tin thể thao - Tin tennis) Maria Sharapova vừa cay đắng nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu 20 năm quần vợt chuyên nghiệp của mình. "Búp bê Nga" đã trải qua những khoảnh khắc huy hoàng cũng như không ít quãng thời gian đen tối vì những tai nạn khó ngờ trong sự nghiệp thăng trầm của cô.
Vào tháng Giêng năm 2002, Maria Sharapova khi ấy mới chỉ 14 tuổi 9 tháng đã trở thành tay vợt trẻ nhất vào chung kết Australian Open nội dung dành cho thiếu niên. Tiếc là ở trận đấu ấy, cô đã thua Barboba Strycova. Hai tháng sau, Masha đã chơi tại giải WTA đầu tiên trong sự nghiệp của cô, đó là giải The Pacific Life Open.
"Búp bê Nga" Sharapova nhận vé đặc cách tham dự Wimbledon 2003. Đây là lần đầu tiên cô được chơi tại vòng đấu chính cho các tay vợt chuyên nghiệp ở All England Club. Tại Wimbledon mùa giải đó, Sharapova từng loại hạt giống số 11 Jelena Dokic để có chiến thắng đầu tiên trước các tay vợt trong top 20 thế giới trên con đường vào đến vòng 4 giải Grand Slam thứ 3 trong năm.
Tháng 10 năm 2003, Sharapova đoạt danh hiệu WTA đầu tiên trong sự nghiệp lẫy lừng của mình khi thắng ngược Aniko Kapros 2-6, 6-2, 7-6 ở trận chung kết giải Japan Open ở Tokyo để giúp cô lọt vào top 50 thế giới.
Năm 2004, Sharapova đánh bại Serena Williams 6-1, 6-4 trong trận chung kết đơn nữ Wimbledon để có Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp. Đó cũng là cột mốc đáng tự hào bắt đầu đưa tên tuổi của kiều nữ quần vợt người Nga đến với đông đảo công chúng.
Chiến thắng thuyết phục 6-1, 6-4 trước cô em nhà Williams ở trận chung kết đơn nữ Wimbledon cách đây 16 năm không chỉ giúp Sharapova biến hạt giống số 1 người Mỹ thành cựu vô địch mà còn giúp cô lần đầu tiên lọt vào top 10 trên BXH WTA.
Vào tháng 8 năm 2005, Maria Sharapova lập kỷ lục là tay vợt người Nga đầu tiên vươn lên giữ ngôi vị tay vợt nữ số 1 thế giới.
Danh hiệu Wimbledon đoạt được 1 năm trước đó và thứ hạng số 1 trên BXH WTA khi ấy đã cho phép Sharapova bắt đầu ký được hợp đồng thương mại béo bở với các thương hiệu lớn.
Tay vợt xinh đẹp người Nga nhưng sinh sống và luyện tập tại Mỹ đã có danh hiệu Grand Slam thứ 2 của mình sau chiến thắng trước Justine Henin-Hardenne sau 2 set cùng với tỷ số 6-4 ở US Open 2006.
Vào tháng 2 năm 2007, Sharapova được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và cô cũng đã tranh thủ dịp này để quyên góp 100.000 đô-la cho 8 dự án phục hồi sau thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Belarus, Nga và Ukraine.
Sharapova tạo dáng quyến rũ bên dàn người mẫu xinh đẹp ở giải Pacific Life Open tại Indian Wells (bang California, Mỹ).
Năm 2007 là năm thứ 2 liên tiếp Masha lỡ hẹn gần hết mùa giải sân đất nện vì chấn thương vai. Cô từng lọt vào đến bán kết Roland Garros lần đầu tiên trước khi để thua Ana Ivanovic - một tay vợt có nhan sắc quyến rũ khác của làng banh nỉ thế giới.
Sharapova chơi một trận đấu biểu diễn với học sinh địa phương cạnh Cầu Tháp ở London (Anh). Cô cũng đã góp công không nhỏ giúp khu nghỉ mát nổi tiếng Sochi (Nga) giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa Đông năm 2014.
Sharapova là hạt giống số 5 tại Australian Open 2008, nơi cô đánh bại cả cựu số 1 thế giới Lindsey Davenport, đương kim số 1 thế giới khi đó Justine Hennin, Jelena Jankovic trước khi khuất phục nốt Ana Ivanovic để giành Grand Slam thứ 3. Giải đấu tại Melboure Park cách đây 12 năm cũng là nơi Masha vô địch mà không thua set nào cả giải.
Chấn thương vai gặp phải vào tháng 8 năm 2008 đã buộc Sharapova phải nghỉ hết phần còn lại của mùa giải, bao gồm việc bỏ lỡ cả Olympic Bắc Kinh và US Open. Wimbledon 2009 là Grand Slam thứ 2 cô thi đấu trở lại sau ca phẫu thuật chấn thương. Khi ấy, Masha xếp hạng hạt giống thứ 24 nhưng đã thua sốc Gisela Dulko 2-6, 6-3, 4-6 ở vòng 2.
Vào tháng 1 năm 2010, Sharapova ký hợp đồng làm người mẫu quảng cáo trong 8 năm cho hãng đồ thể thao số 1 thế giới Nike và giúp cô "bỏ túi" tới 80 triệu đô-la từ thương vụ này. "Búp bê Nga" cũng đã cho ra mắt dòng sản phẩm trang phục tennis mang tên mình.
Tại Wimbledon 2011, Sharapova không thua bất cứ set nào trên đường vào chung kết. Tiếc rằng ở trận đấu quyết định ngôi hậu trên mặt sân cỏ tại London, cô đã thất bại 3-6, 4-6 trước Petra Kvitova.
Năm 2012, Sharapova lọt vào chung kết Roland Garros để trở lại ngôi vị số 1 thế giới. Grand Slam trên sân đất nện ở Paris năm đó cũng là nơi cô đánh bại Sara Errani 6-3, 6-2 để đoạt danh hiệu Pháp mở rộng đầu tiên của mình. Sharapova cũng đã trở thành tay vợt thứ 10 trong lịch sử hoàn tất trọn bộ sưu tập 4 danh hiệu Grand Slam khác nhau.
Tại Olympic London 2012, Maria Sharapova đã trở thành tay vợt nữ người Nga đầu tiên trong lịch sử được cầm cờ đại diện cho xứ sở bạch dương tham dự Thế vận hội. Ở giải đấu tại Anh năm ấy, cô đã đoạt huy chương bạc môn tennis ở nội dung đơn nữ khi thua đại kình địch Serena Williams cách biệt 0-6, 1-6 trong trận chung kết. Đó là thất bại mà Sharapova coi là "tồi tệ nhất trong sự nghiệp của mình".
Trở lại thi đấu sau khi bình phục chấn thương xương vai, Sharapova bắt đầu mùa giải 2013 bằng việc tham dự Australian Open, nơi cô thua Li Na ở bán kết. Hai danh hiệu WTA đoạt được cùng việc lọt vào chung kết Roland Garros năm đó (thua Serena Williams 4-6, 4-6) trước khi tái phát chấn thương khiến cô phải rút lui ở US Open trước khi kết thúc sớm mùa giải.
Năm 2013, Sharapova hợp tác cùng đối tác Jeff Rubin để cho ra mắt thương hiệu kẹo Sugarpova. Cô cũng đã trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh mặt hàng này để ủng hộ cho quỹ từ thiện mang chính tên mình. Sugarpova hiện vẫn làm ăn rất phát đạt.
Năm 2014, Masha đăng quang Roland Garros và có lần thứ 2 nâng cúp vô địch trên sân đất nện Philippe Chatrier ở Paris.
Sharapova đã khởi động mùa giải 2015 của mình tại giải Brisbane International, nơi cô đã lọt vào trận chung kết mà không thua set nào. Tại đây, "Búp bê Nga" đã đánh bại Ana Ivanovic để đoạt danh hiệu thứ 34 trong sự nghiệp. Điều đó nghĩa là Sharapova đã giành được ít nhất một danh hiệu mỗi mùa giải trong 13 năm liên tiếp. Tại Melbourne Park sau đó, Sharapova đã lọt vào trận chung kết Úc mở rộng thứ tư của mình. Tuy nhiên, cô đã thua Serena Williams 3-6, 6-7 (5-7) và tiếp tục nối dài thành tích đối đầu tồi tệ trước tay vợt kị dơ người Mỹ (thắng 2, thua 17).
Thất bại trong cuộc kiểm tra doping ở Australian Open 2016 khi dương tính với meldonium - một chất cấm trong danh mục thi đấu của các VĐV từ đầu năm đó, Sharapova đã bị Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) cấm thi đấu trong hai năm. Vào tháng 10 năm 2016, lệnh cấm của Sharapova đã được giảm xuống còn 15 tháng bắt đầu từ ngày 26 /1/2016, ngày mà cô thất bại với mẫu thử doping của mình.
Sau khi mãn hạn treo vợt, Sharapova tái xuất bằng việc tham dự giải đấu WTA trên sân đất nện Porsche Tennis Grand Prix, nơi cô có chiến thắng thuyết phục 7-5, 6-3 trước đối thủ người Italia - Roberta Vinci ở vòng 1.
Sharapova dự giải WTA ở Rome năm 2017, nơi cô phải bỏ dở trận đấu ở vòng 2 vì chấn thương đùi và phải lỡ hẹn cả mùa giải sân cỏ năm đó.
Nhận vé đặc cách tham dự Tianjin Open (Thiên Tân Mở rộng) trong lần đầu tiên tham dự giải này vào năm 2017, Masha đã vô địch mà không thua set nào. Ở trận chung kết, cô đánh bại đàn em đến từ Belarus - Aryna Sabalenka 7-5, 7-6 (10-8) để có danh hiệu WTA đầu tiên kể từ năm 2015. Kết quả này đưa Sharapova trở lại top 60 thế giới.
Sharapova chụp ảnh "tự sướng" để ăn mừng cùng các fan sau khi thắng Timea Bacsinszky ở vòng 1 Shenzen Open (Thâm Quyến Mở rộng). Đây cũng là trận đánh đơn thứ 800 trong sự nghiệp của kiều nữ người Nga.
Ở Australian Open 2020, Sharapova thất bại 4-6, 5-7 ngay trận ra quân trước hạt giống số 17 Donna Vekic và đây cũng là giải Grand Slam thứ 3 liên tiếp cô bị loại ngay từ vòng 1. Masha rơi xuống xếp hạng 369 thế giới, thứ hạng thấp nhất của cô từ tháng 8 năm 2002. Phong độ xuống dốc và chấn thương liên miên khiến Sharapova quyết định nói lời giải nghệ vào ngày 26/2 vừa qua.