Kỷ lục của siêu nhân chạy nhanh nhất hành tinh Usain Bolt có thể bị vượt qua
(Tin thể thao, tin điên kinh) Chứng tỏ bản lĩnh của nhà vô địch điền kinh thế giới, Usain Bolt điềm tĩnh trước thay đổi lớn.
Bước tiến công nghệ có thể phá vỡ giới hạn con người
Suốt 16 năm qua, kỷ lục thế giới chạy 100m nam do Usain Bolt thiết lập tại Berlin năm 2009 với thời gian 9 giây 58 vẫn là cột mốc bất khả xâm phạm. Thế nhưng, thời đại của “Tia chớp Jamaica” có thể sắp khép lại, không phải vì có người vượt trội hơn, mà vì một “siêu đường chạy” đang được đề xuất chính thức áp dụng.
"Tia chớp" Bolt (áo vàng) đang là người chạy nhanh nhất thế giới với thời gian 9 giây 58 ở cự ly 100m
Người đứng sau đột phá này là Alvina Chen, cựu vận động viên điền kinh gốc Hong Kong (Trung Quốc) và hiện là CEO của Feldspar Sport, công ty công nghệ có trụ sở tại Anh. Chen và đội ngũ của cô đã phát triển loại đường chạy thông minh đầu tiên trên thế giới, với bề mặt làm từ cao su kết hợp vật liệu tổng hợp, có khả năng giảm thất thoát năng lượng xuống dưới 10% (so với khoảng 30% ở mặt sân truyền thống).
“Chúng tôi chú trọng cải thiện độ đàn hồi, và tối ưu hóa hướng hoàn trả năng lượng để hỗ trợ vận động viên bứt tốc hiệu quả hơn”, Chen giải thích.
Công nghệ là thứ vũ khí phá vỡ kỷ lục
Theo Chen, “siêu mặt sân” có thể giúp vận động viên hoàn thành quãng đường 100m với thời gian nhanh hơn tới 20% so với mặt sân được sử dụng ở Thế vận hội Paris 2024, vốn được xem là nhanh nhất từ trước đến nay. Điều này có nghĩa mốc thời gian chạy 100m dưới 9 giây hoàn toàn khả thi.
Hiện công ty trên đang trong giai đoạn đàm phán tích cực với World Athletics, cơ quan quản lý chính thức của điền kinh thế giới để được cấp phép sử dụng mặt sân mới trong các giải đấu lớn. Nếu được thông qua, điều này có thể mở đường cho những tài năng như Noah Lyles, Christian Coleman hay thậm chí gương mặt hoàn toàn mới phá sâu kỷ lục của Bolt.
Usain Bolt: "Tôi không thể than phiền"
Khi được hỏi về khả năng kỷ lục bị phá bởi yếu tố kỹ thuật, Bolt, nay đã 38 tuổi giữ quan điểm khá điềm tĩnh. Từng bị tước một huy chương vàng Olympic năm 2008 do đồng đội vi phạm doping, anh khẳng định điều đó “không ảnh hưởng đến di sản cá nhân”.
“Tôi thất vọng vì mất huy chương, nhưng điều đó không thể xóa bỏ những gì tôi đã làm được trong sự nghiệp. Tôi đã giành chiến thắng ở các nội dung cá nhân và đó mới là điều quan trọng. Tôi sẽ không than phiền vì điều gì, bởi thế giới luôn thay đổi”, Bolt chia sẻ.
Nếu được áp dụng, “siêu đường chạy” sẽ thay đổi cách thi đấu và tạo ra làn sóng tranh cãi về tính công bằng lịch sử giữa các thế hệ vận động viên. Liệu thành tích mới đạt được trên bề mặt hỗ trợ có nên được công nhận tương đương với những gì Bolt và các tiền bối đã thực hiện trên sân truyền thống, đó là câu hỏi lớn.
(Tin thể thao, tin điền kinh) Chân chạy tuổi teen Gout Gout, 16 tuổi, được ví như "Tia chớp mới" của làng điền kinh thế...