Thói quen bỏ ăn sáng gây ra những tác hại khủng khiếp cho sức khỏe
Hàng tỉ người trên thế giới có thói quen bỏ ăn sáng, nhưng thói quen này gây ra những tác hại khủng khiếp cho sức khỏe.
1. Nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn: Mặc dù vì lý do muốn cắt giảm lượng calo, do quá bận rộn hoặc đơn giản là không cảm thấy đói, bạn vẫn không nên cắt giảm bữa sáng. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn sáng đều đặn là một trong những thói quen quan trọng nhất để có lối sống lành mạnh. Một nghiên cứu từ Đại học Harvard cho thấy, những người đàn ông bỏ bữa sáng có nguy cơ bị đau tim hoặc bệnh tim cao hơn 27%. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc duy trì trạng thái nhịn ăn lâu hơn khiến cơ thể căng thẳng và làm việc vất vả hơn, gây ra những thay đổi về trao đổi chất.
2. Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy, những phụ nữ thường xuyên không ăn sáng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 tăng 20%. Bỏ qua bữa ăn sáng có liên quan đến tình trạng dung nạp glucose bị suy yếu và điều đó còn liên quan đến sự phát triển của tiền tiểu đường và tiểu đường. Giả thuyết được đưa ra là: sự tăng đột biến lượng đường trong máu xảy ra khi chúng ta nhịn ăn trong một thời gian dài và sau đó ăn rất nhiều vì quá đói gây áp lực làm việc cho các cơ quan trong cơ thể, có thể dẫn đến kháng insulin.
3. Tăng cân khó kiểm soát: Chuyên gia dinh dưỡng cho biết, những người ăn sáng có nhiều khả năng thực hành các hành vi lối sống liên quan đến trọng lượng cơ thể lý tưởng và sức khỏe tốt. Những người bỏ bữa sáng có xu hướng ăn quá nhiều vào các bữa ăn tiếp theo, tiêu thụ phần lớn lượng calo trong những giờ ít vận động nhất trong ngày.
4. Làm chậm quá trình trao đổi chất: Khi bạn bỏ bữa, cơ thể hoạt động chậm lại để tiết kiệm nhiên liệu. Thêm vào đó, vào buổi sáng quá trình trao đổi chất vốn đã bị chậm lại trong khi ngủ. Việc nhịn ăn kéo dài sẽ làm giảm thêm khả năng đốt cháy calo của cơ thể và tác động đến lượng mô mỡ bị mất đi.
5. Ảnh hưởng khả năng hoạt động của não bộ: Không ăn sáng có thể có ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ. Sự sụt giảm lượng đường trong máu từ trạng thái nhịn ăn dài có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của bạn vì bữa sáng có vai trò cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho não, đặc biệt là sau một đêm ngủ dài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em làm bài kiểm tra tốt hơn khi chúng ăn sáng. Vì carbohydrate trong chế độ ăn uống bị phân hủy thành glucose, điều quan trọng là phải có đủ lượng carbohydrate cho bữa sáng để tối ưu hóa sự tập trung nhận thức và trí nhớ. Nhưng không nên ăn các loại bánh ngọt, hãy chọn những loại carbs phức tạp như ngũ cốc nguyên hạt, cộng với protein như trứng và chất béo lành mạnh như bơ.
6. Dễ nóng giận: Khi đói, bạn dễ cáu gắt và bực bội hơn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn bỏ bữa sáng vì bận rộn chứ không phải là thói quen. Một nghiên cứu từ Vương quốc Anh cho thấy, những người đàn ông đã ăn sáng có tâm trạng tích cực hơn và khả năng làm việc tốt hơn.
7. Giảm năng lượng: Bỏ bữa sáng có liên quan đến tăng cân là vì bạn có ít năng lượng hơn để tập thể dục. Ngoài ra, nếu vẫn tập luyện mà không ăn sáng có thể khiến bạn bị kiệt sức. Theo thông tin từ Đại học Wisconsin , bữa sáng sẽ cung cấp cho bạn 25% năng lượng hằng ngày, bao gồm chất xơ và protein.
8. Hơi thở có mùi: Ăn sáng giúp kích thích sản xuất nước bọt và điều này có thể khiến hơi thở buổi sáng của bạn trở nên dễ chịu hơn. Bỏ bữa sáng khiến vi khuẩn có mùi hôi tiếp tục phát triển mạnh trong khoang miệng.
9. Tăng mức cortisol: Một nghiên cứu năm 2014 được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Davis, cho thấy những phụ nữ bỏ bữa sáng có nồng độ cortisol cao hơn. Các nhà nghiên cứu tin rằng, sự kết hợp của việc bỏ bữa sáng và trải qua căng thẳng mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng tim mạch.
10. Tăng nguy cơ viêm mãn tính: Trong một nghiên cứu năm 2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hohenheim ở Đức đã lấy mẫu máu trong 3 ngày liên tục của 17 người trưởng thành khỏe mạnh. 1 ngày họ bỏ bữa sáng; ngày tiếp theo bỏ bữa tối; và ngày cuối cùng ăn 3 bữa bình thường. Sau khi so sánh các mẫu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người bỏ bữa sáng có nồng độ glucose cao hơn và quá trình oxy hóa chất béo tăng lên, có nghĩa là cơ thể họ đã phá vỡ nhiều chất béo được lưu trữ hơn. Điều này đồng nghĩa với việc, bỏ bữa sáng có thể khiến cơ thể gặp khó khăn khi chuyển nguồn nhiên liệu từ glucose sang chất béo và ngược lại. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến viêm mãn tính và có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì.
11. Tăng cảm giác thèm ăn hơn sau này: Một bữa sáng giàu protein có thể giúp kiểm soát sự thèm ăn của bạn trong suốt cả ngày. Vì vậy, những người ăn bữa sáng giàu protein có xu hướng ăn ít calo hơn trong ngày so với những người ăn bữa sáng nhiều carbohydrate.