Suy thận giai đoạn cuối do bỏ qua những triệu chứng quan trọng
Mỹ - Justin Pham, 32 tuổi, bị suy thận giai đoạn cuối vì liên tục bỏ qua các triệu chứng trong suốt độ tuổi 20.
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsweek ngày 23/2, anh đã chia sẻ câu chuyện của mình với mong muốn nâng cao nhận thức của những người trẻ tuổi về bệnh thận.
Pham không có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, nhưng đã phải phẫu thuật cắt bỏ một nửa mỗi quả thận khi mới 9 tuổi. Trong độ tuổi 20, anh bắt đầu gặp các triệu chứng như: ngứa da hoặc phát ban, chuột rút ở chân vào buổi sáng, đau bụng và nôn mửa, đi tiểu thường xuyên vào ban đêm, nước tiểu có bọt và khó thở.
"Tôi luôn nghĩ những biểu hiện đó là do vấn đề nhỏ, chẳng hạn như da khô khiến tôi ngứa ngáy, buồn nôn do tôi ăn đồ ăn lạ", Pham nói.
Thực tế, các dấu hiệu cảnh báo của bệnh thận thường bị bỏ qua vì chúng không đặc hiệu. Việc bỏ qua các triệu chứng này có thể khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Thận khỏe lọc chất thải, đồng thời giữ lại các chất cần thiết như protein trong máu. Khi bị tổn thương, chúng có thể rò rỉ protein dư thừa vào nước tiểu.Tình trạng này gọi là protein niệu, khiến nước tiểu có bọt. Dù không phải một bệnh, protein niệu có thể báo hiệu các vấn đề về thận, theo dịch vụ y tế Fresenius Kidney Care.
Theo tiến sĩ Blake Shusterman, chuyên khoa thận tại Đại học Bang Ohio, nguyên nhân chính xác của triệu chứng ngứa thận chưa rõ ràng. Các chuyên gia phỏng đoán tình trạng này có thể do các chất điện giải tích tụ trong cơ thể vì thận lọc máu không đúng cách. Những chất điện giải đó dẫn đến thay đổi sinh lý ở da, gây ngứa. Cảm giác ngứa ngáy cũng có thể bắt nguồn từ chứng viêm toàn thân, xảy ra ở một số người mắc bệnh thận.
Pham bắt đầu lo lắng khi gặp tình trạng khó thở dù chỉ đi bộ một đoạn ngắn, từ bãi đỗ xe đến cửa hàng tạp hóa. Ban đầu, anh cho rằng mình mắc Covid-19. Tuy nhiên, sau khi xét nghiệm máu, anh được chẩn đoán mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn 5, nghĩa là thận đã suy và không còn hoạt động bình thường.
Hình ảnh thận khỏe mạnh ở người bình thường. Ảnh: KUMC
Lúc này, Pham mới hiểu rằng tiền sử gia đình bị huyết áp cao là nguyên nhân thứ phát dẫn đến suy thận, sau bệnh tiểu đường. Quỹ Thận Quốc gia giải thích, điều này xảy ra khi thận hoạt động dưới 15% chức năng bình thường. Vì tình trạng suy thận nghiêm trọng, anh cần được chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống. Suy thận giai đoạn cuối cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Hai năm sau, Pham bắt đầu có các triệu chứng của bệnh tim mạch, gồm sưng bàn tay và bàn chân, đau ngực, mệt mỏi và chán ăn. Bác sĩ cho biết, khi một cơ quan bắt đầu suy, cơ quan khác cũng suy kiệt theo.
Tiến sĩ Shusterman giải thích, suy tim và suy thận thường đi đôi với nhau. Thận kiểm soát quá trình xử lý muối và nước của cơ thể. Nếu không loại bỏ các chất này đúng cách, chúng tích tụ và gây áp lực lên tim. Tình trạng này kết hợp với giãn cơ tim (thường xảy ra khi người bệnh thận tích nước quá mức) có thể dẫn đến suy tim.
"Nồng độ chất điện giải bất thường, chẳng hạn như nồng độ kali cao, cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tim ở những người mắc bệnh thận. Kali có thể tích tụ trong máu khi thận không lọc máu đúng cách", ông nói thêm.
Hiện Pham phải chạy thận nhân tạo màng bụng 10 giờ mỗi ngày. Anh nằm trong danh sách chờ ghép thận, dự kiến sẽ được phẫu thuật tim vào tháng tới. Dù gặp những thử thách này, anh vẫn lạc quan và tiếp tục nâng cao nhận thức trên TikTok.
"Khi bạn còn trẻ, bạn nghĩ mình bất khả chiến bại, đặc biệt là nam giới. Chúng tôi không kiểm tra sức khỏe định kỳ như phụ nữ. Lời khuyên của tôi dành cho những người trẻ tuổi là luôn đi khám và cân nhắc về sức khỏe của mình. Đừng coi thường các triệu chứng nhỏ. Bạn còn trẻ không có nghĩa bệnh tật sẽ bỏ qua bạn", anh nói.
Là một nhân viên văn phòng, chỉ mới 24 tuổi và vẫn đang khỏe mạnh bình thường, anh L.K.D (ở Việt Trì, Phú Thọ) không thể...