Người có bệnh nền mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như thế nào?
Người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy giảm hoặc người có bệnh lý nền có thể gặp các biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng, nguy cơ tử vong cao khi mắc thêm các bệnh truyền nhiễm.
PGS. TS. BS CK2. Nguyễn Văn Liệu, giảng viên cao cấp Đại học Y Hà Nội vừa chia sẻ về trường hợp bệnh nhân P.V.G (71 tuổi tại Hà Nội) có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp suốt 10 năm qua, với đường máu khó kiểm soát. 2 năm trước, ông G. phát hiện mụn phỏng zona lan ra toàn bộ tay phải từ gáy xuống. 3 tuần sau, vết thương có dấu hiệu lành nhưng ông lại bị đau dữ dội như bỏng buốt, cực kỳ khó chịu khi chạm vào cánh tay. Ông G. ăn uống, tắm rửa, sinh hoạt đều rất khó khăn, thậm chí ông còn bị mất ngủ trầm trọng do đau và căng thẳng khiến tâm trạng ông rất chán nản, tiêu cực.
PGS.TS. BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Ảnh: Thiên Lam
Đây chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi mà bác sĩ đã điều trị gặp các biến chứng nặng nề khi mắc bệnh truyền nhiễm trên nền bệnh lý khác.
Nhận định về nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm ở người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch bị suy giảm, PGS.TS. BS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chia sẻ: “Bản thân người lớn tuổi cũng có hệ miễn dịch thua kém so với người trưởng thành. Đối với hai nhóm người này, việc mắc phải những bệnh đã được phòng tránh trong quá khứ lại trở nên rất dễ dàng. Vì vậy, dự phòng bệnh ở người lớn tuổi là một trong những thách thức rất lớn trong thời gian vừa qua. Đặc biệt là khi già hóa dân số nhanh, dẫn đến phương án dự phòng phức tạp vì số lượng và cả chất lượng cuộc sống của nhóm người này.”
PGS.TS. Thái khuyến cáo, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, và đặc biệt là người có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch cần điều chỉnh lối sống, chế độ sinh hoạt, tập luyện, ăn uống... Một tổng thể phức tạp của nhiều hoạt động cần can thiệp. Ngoài nỗ lực của chính những nhóm người có tình trạng bệnh nền, họ cũng cần được quan tâm bởi hệ thống y tế.
Sự tư vấn về phòng ngừa, dinh dưỡng, luyện tập sẽ giúp nhóm người cao tuổi có chất lượng cuộc sống tốt hơn, đạt được quá trình lão hóa khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này còn tương đối hạn chế vì người dân vẫn chưa có thói quen đi khám định kỳ.
Người cao tuổi, người có bệnh lý nền và đặc biệt là những người có vấn đề về hệ miễn dịch cần có một hướng tiếp cận khác trong quá trình điều trị. Kháng nguyên của những người này trước bệnh tật không tốt như người bình thường. Vì vậy, hệ miễn dịch không đủ khỏe mạnh (miễn dịch không đầy đủ) để bảo vệ lâu dài.
PGS.TS. Thái cũng khuyến cáo người cao tuổi hay người có bệnh lý nền nhận thức được sức khỏe của họ, từ đó chủ động tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn dự phòng và điều trị.
Cúm mùa là loại bệnh lý truyền nhiễm qua đường hô hấp từ các chủng virus khác nhau. Các chủng virus gây cúm ở người...