Đổ bệnh vì nồm ẩm, nấm mốc
Những ngày mưa phùn, nồm ẩm đặc trưng miền Bắc không chỉ mang đến cảm giác khó chịu, mà còn trở thành mối đe dọa tiềm tàng cho sức khỏe, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.
Chưa khỏi những cơn ho kéo dài, chị Loan, 30 tuổi, ở Thanh Trì (Hà Nội), lại mất ngủ vì viêm xoang và đau đầu. Mỗi sáng, mưa phùn và sương mù khiến người phụ nữ ngại ra đường, trong khi trưa nắng nhẹ rồi tối lạnh sâu khiến cơ thể khó chịu. Dù đã dùng kháng sinh liều cao cùng hàng loạt thuốc rửa mũi, xịt họng và các biện pháp xông hơi, chị vẫn cảm thấy "nghẹt thở".
Bố chồng chị, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, phải nhập viện vì triệu chứng trở nặng, trong khi con gái chị cũng viêm phế quản. Trẻ khó thở, bỏ bú và ho nhiều đờm, khiến gia đình không khỏi lo lắng. "Thời tiết thất thường quá, không chỉ sức khỏe mà cả tinh thần cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng", người phụ nữ than.
Gia đình chị Linh, ở Đống Đa, gồm ba người lớn cũng đổ bệnh. Bố mẹ chị, vốn tiền sử huyết áp cao, phải nhập viện điều trị do chỉ số này lên xuống thất thường. Còn Linh chạy đi chạy lại "như con thoi" khi bản thân bị ho, nghẹt mũi do cảm lạnh. "Người trẻ còn thấy kiệt sức, huống hồ người già", Linh bày tỏ.
Hà Nội liên tục ô nhiễm không khí. Ảnh: Ngọc Thành
Từ ngày 16/2, miền Bắc bắt đầu đợt mưa phùn và nồm ẩm kéo dài khoảng một tuần do không khí lạnh suy yếu. Tình trạng mưa, lạnh, khiến độ ẩm không khí tăng lên trên 80% làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, bệnh hô hấp... Thời tiết thay đổi liên tục sáng mưa phùn kèm sương mù, trưa hửng nắng, tối mưa lạnh khiến cơ thể khó thích nghi kịp, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ.
Sở Y tế Hà Nội ghi nhận nhiều bệnh truyền nhiễm đang tăng như cúm mùa, Covid, chân tay miệng, sởi, sốt xuất huyết... Đặc biệt, cúm lan rộng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, với hàng chục ca bệnh được ghi nhận mỗi ngày tại các bệnh viện lớn. Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân cúm trong tháng 1 tăng gấp 6 lần so với tháng 12/2024. Các bệnh viện như Bạch Mai, Nhi Trung ương, Lão khoa, 108 và E cũng ghi nhận tình trạng tương tự, nhiều trường hợp diễn tiến nghiêm trọng.
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng độ ẩm trên 80% là điều kiện lý tưởng cho virus và vi khuẩn phát triển. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại nhiều khu vực ở thủ đô dao động từ 140-160, vượt xa ngưỡng an toàn (0-50), theo AirVisual và ứng dụng theo dõi chất lượng không khí PamAir.
Bác sĩ Lê Hoàn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giải thích thời tiết lạnh ẩm tạo môi trường thuận lợi cho virus như cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B và RSV phát triển. Khi kết hợp với ô nhiễm không khí, nguy cơ mắc bệnh hô hấp tăng gấp nhiều lần.
Chưa khỏi cúm, chị Loan phải trang bị thêm nước muối, thuốc xịt họng để phòng bệnh khi thời tiết thay đổi đột ngột. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không chỉ khởi phát các bệnh về hô hấp, thời tiết thay đổi đột ngột còn gây ra các vấn đề nghiêm trọng khác. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cảnh báo sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây co mạch máu, tăng huyết áp hoặc tăng áp lực nội sọ, dẫn đến các cơn đau đầu, thậm chí đột quỵ. Đặc biệt, nhóm người cao tuổi, tiểu đường hoặc cao huyết áp nguy cơ đột quỵ nếu không chú ý giữ ấm hoặc vận động quá sức trong điều kiện thời tiết như hiện nay.
"Cao huyết áp không kiểm soát có thể dẫn đến vỡ mạch não, xuất huyết và tử vong", ông Mạnh nói.
Với trẻ em, khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể còn kém, dễ bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đột ngột giữa nóng và lạnh. Thói quen vệ sinh chưa tốt, như chạm tay vào mặt sau khi tiếp xúc với bề mặt bẩn, cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Hệ miễn dịch non yếu khiến trẻ chưa đủ khả năng chống lại sự tấn công của virus và vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt.
Bác sĩ khuyến cáo trong điều kiện thời tiết này, gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để không khí được khô thoáng. Giữ vệ sinh môi trường sạch sẽ, tránh bụi bặm trong nhà, đeo khẩu trang, giữ ấm khi đi đường.
Tập luyện thể dục phù hợp, nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế tập lúc sáng sớm hay tập luyện quá sức để tránh nguy cơ nhiễm lạnh hoặc đột quỵ. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường đông người. Ngoài ra, tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm là biện pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân.
Khi có triệu chứng nhiễm cúm như sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu hoặc mệt mỏi kéo dài, người dân cần kịp thời đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm.
*Tên nhân vật được thay đổi
Sau nhiều năm sống chung với mùa nồm ẩm kéo dài, bà mẹ ở Hải Phòng đã tìm ra cách giúp nhà khô thoáng trong tiết trời...