Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ 40-88% với tôn mạ Việt Nam
Thép mạ của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá sơ bộ từ 40-88%, theo quyết định của Bộ Thương Mại Mỹ.
Ngày 4/4, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cuộc điều tra được khởi xướng từ tháng 9/2024, khi DOC nhận được đơn kiện từ các nhà sản xuất thép Mỹ.
Theo kết quả điều tra ban đầu, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá lên đến 88,12%.
Riêng một số doanh nghiệp tôn thép sẽ có mức riêng. Tập đoàn Hoa Sen chịu mức thuế cao nhất là 59%, Tôn Đông Á bị áp mức 39,84%. Các doanh nghiệp khác như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Công ty Tôn Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát), Thép Nam Kim bị đánh thuế 49,42%.
Theo kế hoạch, sau quyết định sơ bộ này, DOC sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 18/8, trước khi Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 10/2025.Theo số liệu từ DOC, Mỹ nhập khẩu 626 triệu USD thép mạ Việt Nam trong năm 2021, tăng lên 751 triệu USD trong năm 2022 và sau đó giảm mạnh về 241 triệu USD trong năm 2023.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp Việt Nam bị chịu mức thuế cao do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Do đó, họ sử dụng giá trị thay thế của nước thứ ba để tính toán mức thuế cho Việt Nam.
"Điều này không phản ánh đúng thực chất tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam", ông Thái cho biết.
Ngoài thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải đối phó với cuộc điều tra trợ cấp đang được DOC tiến hành song song. Kết quả của cuộc điều tra này có thể dẫn đến việc áp thêm thuế đối kháng lên các sản phẩm thép Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.Ngoài Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ của các nền kinh tế khác cũng bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ như Australia, Brazil, Canada, Mexico, Nam Phi, Hà Lan, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE. Song hầu hết có mức thuế thấp hơn Việt Nam, trừ Brazil chịu mức chung 118,63%, một doanh nghiệp ở Canada bị áp mức 52,08% và ba nhà sản xuất ở Đài Loan là 67,9%.
Chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ gây tranh cãi mà còn có tác động nghiêm trọng đến...