Chia sẻ

Lại đề xuất đánh thuế thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

TP Cần Thơ đề xuất mở rộng thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền tiết kiệm, chỉ nên miễn với các khoản gửi quy mô nhỏ.

Cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi.

Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Góp ý dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ cho rằng nhà điều hành nên nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế. Theo đó, tỉnh này đề xuất lãi tiền gửi tiết kiệm chỉ nên miễn thuế thu nhập cá nhân với quy mô tiết kiệm nhỏ.

Song tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ, và các khoản đầu tư dài hạn cần được miễn thuế, để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.

Phản hồi trước các đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết ngân sách Nhà nước định hướng cơ cấu lại để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó mở rộng cơ sở thuế, hạn chế tối đa lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Cùng với đó, chính sách miễn, giảm, giãn thuế đảm bảo tính trung lập. Việc này được thực hiện theo Nghị quyết 07/2016 của Bộ Chính trị.

Tại dự thảo, cơ quan này cũng dẫn kinh nghiệm của các nước cho thấy Thái Lan đánh thuế lãi tiền gửi ngân hàng, Trung Quốc áp thuế với thu nhập từ lãi suất. Hay tại Hàn Quốc, tiền lãi cũng là thu nhập phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Ngược lại, một số quốc gia cho phép giảm trừ với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp khi tính thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, nhà điều hành dự kiến nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù, gồm lãi vay mua nhà, khi sửa luật thuế lần này.

Do đó, việc sửa đối tượng miễn giảm cần được nghiên cứu để phù hợp với chủ trương, thực tiễn và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Thực tế, đề xuất áp thuế với khoản lãi tiền gửi ngân hàng từng được đưa ra cách đây chục năm. Một chuyên gia từng đề xuất đánh thuế thu nhập từ lãi tiết kiệm với những khoản lãi lớn, hàng trăm triệu đồng tại một hội thảo lấy ý kiến sửa Luật Thuế vào năm 2017. Theo ông, một khi lãi tiết kiệm lên tới tiền tỷ thì nên được nhìn nhận như một khoản đầu tư tương tự đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Trước đó, năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP HCM từng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên.

Các đề xuất đánh thuế này đều vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều ngân hàng lo ngại biện pháp này sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.

Theo quy định hiện hành, có 10 loại thu nhập chịu thuế, trong đó có tiền lương, tiền công, thu nhập từ đầu tư, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, trúng thưởng, bản quyền, thừa kế, quà tặng. Về mở rộng cơ sở thu thuế, việc áp thuế với lãi tiền gửi tiết kiệm không được Bộ Tài chính đề cập tới tại dự thảo gần nhất. Cơ quan này hiện chỉ tính mở rộng theo hướng bổ sung nhóm thu nhập khác hoặc quy định cụ thể các khoản thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản là tên miền internet, sim - số điện thoại... là thu nhập chịu thuế.

Tỉnh Ninh Thuận đề nghị bỏ thuế với tài sản thừa kế bởi việc này không hợp lý, dễ gây khó cho người dân.

Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Ngân hàng

Xem Thêm