Chia sẻ

Ông Trump ra lệnh mới rúng động toàn cầu, Việt Nam có thể ngoài "tâm chấn"?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Tổng thống Donald Trump vừa ra lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng với toàn thế giới. Tất cả các nước đều vào "tầm ngắm", nhất là các nước đang áp thuế cao với hàng hóa Mỹ, thặng dư thương mại với Mỹ. Vậy Việt Nam ra sao?

Ngày 13/2, theo CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariffs) với các quốc gia khác. Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ.

Sắc lệnh này cũng đồng nghĩa với việc tất cả đối tác thương mại của Mỹ đều bị đặt vào tầm ngắm. 

Không những thế, ông Trump cho biết, Mỹ sẽ đáp trả bằng thuế quan đối với các nước có chính sách phi thuế quan, bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT) và những biện pháp khác, vì coi đây là những hành vi thương mại không công bằng.

Thuế nhập khẩu đối ứng còn nhắm tới các khoản trợ cấp và các chính sách về tỷ giá cản trở dòng chảy của hàng hóa Mỹ ra nước ngoài.

Trả lời báo chí, ông Trump cho biết, Mỹ áp thuế quan có qua có lại “vì mục đích công bằng”. Bất kỳ quốc gia nào áp thuế đối với Mỹ, Mỹ sẽ áp thuế lại, “không nhiều hơn, không ít hơn".

Ông Trump cũng nhấn mạnh, các quốc gia sẽ không được phép gửi hàng hóa vào Mỹ thông qua một nước thứ ba. Ông muốn “một sân chơi sòng phẳng”.

Thị trường tài chính và hàng hóa thế giới ngay lập phản ứng mạnh. Chứng khoán Mỹ chịu áp lực bán mạnh. Đồng USD rớt nhanh. Giá vàng tăng vọt trở lại lên gần đỉnh cao lịch sử, tới đầu giờ sáng 14/2 đang ở mức 2.930 USD/ounce.

Sau đó, một số thị trường ổn định trở lại. Chứng khoán Mỹ quay đầu tăng điểm khi đón nhận thông tin chính quyền ông Trump chưa áp thuế đối ứng ngay lập tức, làm giảm lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu.

Cùng ngày 13/2, Tổng thống Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ, ra lệnh cho các quan chức bắt đầu tính toán thuế quan tương xứng với mức thuế mà các nước áp lên các sản phẩm của Mỹ. 

Bản ghi nhớ hướng dẫn cơ quan chức năng Mỹ xây dựng các mức thuế suất nhập khẩu điều chỉnh cho từng quốc gia, có tính đến các đặc điểm như thuế quan hiện hành, tỷ giá hối đoái, cán cân thương mại và những quy định khác. Bản ghi yêu cầu các quan chức báo cáo lại để có kế hoạch "thương mại và thuế nhập khẩu đối ứng" trong vòng 180 ngày.

Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariffs) với các quốc gia khác. Ảnh: CNBC

Ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariffs) với các quốc gia khác. Ảnh: CNBC

Tại Phòng Bầu dục, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, những nghiên cứu này dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 1/4. Mỹ sẽ xem xét trước các trường hợp có thặng dư thương mại lớn nhất và áp dụng thuế nhập khẩu cao nhất với Mỹ. 

Như vậy, chính quyền Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc điều tra, nhưng có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Việc áp thuế nhập khẩu đối ứng là một trong những cam kết cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Giới quan sát đánh giá, ông chủ Nhà Trắng rốt ráo thực hiện chiến dịch MAGA (làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại).

Trước đó, ông Trump công bố áp thuế lên Trung Quốc, Canada và Mexico, cũng như đánh thuế lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ. Hiện ông Trump hoãn áp thuế với Canada và Mexico sau khi 2 nước này cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ việc nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy tại các khu vực biên giới giáp với Mỹ.

Ông Trump cũng đã nhiều lần cảnh báo áp thuế lên Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh về thâm hụt thương mại với các nước trong khu vực này. Các nhà lãnh đạo EU tuyên bố sẽ trả đũa đối với các mức thuế mới của Mỹ. 

Động thái mới của ông Trump được xem sẽ châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, làm tổn hại cho tất cả các bên liên quan và có thể làm trầm trọng vấn đề lạm phát đang gia tăng ở Mỹ.

Chia sẻ với VietNamNet từ Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, lưu ý rằng, các mức thuế nhập khẩu mới sẽ được xây dựng cho từng đối tác của Mỹ có quan hệ thương mại nhằm không chỉ xử lý vấn đề thuế các nước áp với hàng xuất khẩu của Mỹ mà còn nhằm mục tiêu hướng tới các rào cản phi thuế quan mà các quốc gia đang áp dụng.

Theo ông Hưng, với việc rà soát không chỉ trong phạm vi thuế quan mà được mở rộng ra các rào cản khác, chính quyền Tổng thống Trump đang triển khai các bước đi thận trọng, chắc chắn và toàn diện để đánh giá cấu trúc thương mại quốc tế của Mỹ. Từ đó, có các phương hướng cải cách, đàm phán lại để đảm bảo lợi ích của Mỹ. Điều này cũng phù hợp với nội dung trả lời tại phiên điều trần của ứng cử viên Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), ông Jamieson Greer, vừa qua tại Thượng viện Mỹ.

Ông Hưng nhìn nhận, với cách tiếp cận này, các nước sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi thuế quan là nội dung có thể chủ động rà soát và điều chỉnh nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ là trở ngại lớn đối với mỗi quốc gia khi đàm phán với Mỹ và cũng sẽ bị động khi Mỹ có thể lựa chọn rào cản để yêu cầu đàm phán.

"Với việc Mỹ dành thêm thời gian để nghiên cứu, các nước cũng có thêm cơ hội để trao đổi/đàm phán với Mỹ về các kế hoạch tương lai", ông Hưng nói.

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Chứng khoán MB, cho rằng, việc ông Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng nhắm vào tất cả quốc gia sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam nhưng tác động nhiều ít ra sao thì chưa xác định được.

Theo bà Hiền, những quyết định của ông Trump khó đoán, nhưng có một thực tế là ông Trump nhắm tới các đối tác lớn trước. Các nước tích cực hợp tác ít bị đưa vào tầm ngắm, như Nhật Bản là ví dụ. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump không gây nhiều áp lực lên Nhật.

Trong một động thái mới nhất, ngay sau khi công bố sắc lệnh áp thuế đối ứng, Tổng thống Trump đã gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Ông Modi cho biết, Mỹ và Ấn Độ sẽ đẩy thương mại song phương lên 500 tỷ USD vào năm 2030. Ông Trump thừa nhận động thái gần đây của Ấn Độ nhằm giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Ông cho biết sẽ bắt đầu đàm phán về sự chênh lệch trong thương mại và hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận.

Tại cuộc gặp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam - Marc E. Knapper - mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng có những quan ngại trước những thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ. Bộ trưởng nhấn mạnh đến tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế, là đặc điểm quan trọng giúp cho hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển ngày càng mạnh mẽ, theo hướng hài hòa và bền vững, duy trì lợi ích quốc gia trong hợp tác song phương.

Đáp lại, Đại sứ Marc E. Knapper bày tỏ rằng, việc Hoa Kỳ áp thuế trong thời gian qua không nhắm tới Việt Nam. Hoa Kỳ muốn duy trì mối quan hệ song phương, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam tiếp tục phát triển theo hướng tích cực.

Tổng thống Donald Trump vừa ra lệnh cho các cơ quan chức năng Mỹ lập các kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng mới với...

Theo Mạnh Hà ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Kinh tế toàn cảnh

Xem Thêm