Quốc gia châu Á kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng GDP vẫn kém xa Việt Nam
Mặc dù được đánh giá là "nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới", Ấn Độ vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như: thất nghiệp, lương thấp, chênh lệch giàu nghèo sâu sắc...
Vào ngày 12/10 tới đây, đội tuyển Việt Nam sẽ có cuộc chạm trán với tuyển Ấn Độ trên sân Thiên Trường (Nam Định). Xét về kinh tế, những năm gần đây, Ấn Độ ngày càng được coi là động lực tăng trưởng toàn cầu tiếp theo khi nền kinh tế Trung Quốc chững lại do thiếu các biện pháp kích thích mạnh mẽ, cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng cùng áp lực giảm phát kéo dài.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mô tả Ấn Độ là "nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới" và kỳ vọng quốc gia này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2028, trong khi Goldman Sachs cho biết Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075 - vượt qua Nhật Bản, Đức, Mỹ và chỉ sau Trung Quốc.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) Shaktikanta Das cho biết tốc độ tăng trưởng dự kiến của nước này trong vài năm tới là 7,5%.
Hiện tại, đây là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Các nhà phân tích dự đoán quốc gia này sẽ trở thành nền kinh tế 10 nghìn tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế với những con số vĩ mô không tương xứng với thu nhập và cuộc sống của người dân Ấn Độ. Chênh lệch giàu - nghèo ở đất nước này đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy 1% dân số giàu nhất Ấn Độ kiếm được 22% tổng thu nhập của đất nước này và nắm giữ tới 40% tổng tài sản trong năm tài chính vừa qua. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng đây là mức chênh lệch “cao lịch sử” đối với Ấn Độ và thậm chí cao hơn cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ.
Sự chênh lệch giàu nghèo có thể thấy rõ ở Mumbai, nơi những biệt thự của các tỷ phú tài phiệt nằm cạnh những khu ổ chuột rộng lớn và những người ăn xin trên đường phố.
Theo dữ liệu của World Bank, năm 2023, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ chỉ đạt 2.484 USD, kém xa so với GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 4.346 USD.
Trong khi các ngành công nghiệp như dịch vụ công nghệ thông tin được hưởng lợi từ xu hướng toàn cầu và nhu cầu tăng, các ngành như dịch vụ tiêu dùng nhanh và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào hàng hóa đã phải đối mặt với những trở ngại đáng kể.
Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 49% cư dân thành thị ở Ấn Độ sinh sống trong các khu ổ chuột. Ngoài ra, mặc dù sống trong một quốc gia được ca ngợi là đang trên đà trở thành siêu cường thế giới nhưng hàng trăm triệu người Ấn Độ vẫn đối mặt tình trạng thất nghiệp và lương thấp.
Với độ tuổi trung bình là 29, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới, nhưng quốc gia này vẫn chưa thể khai thác được những lợi ích kinh tế tiềm năng từ dân số đông và trẻ của mình. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Ấn Độ hiện cao hơn mức toàn cầu, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên có bằng tốt nghiệp là hơn 29%, cao hơn gần 9 lần so với những người không biết đọc hoặc viết.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ cần làm nhiều hơn nữa để cải thiện GDP bình quân đầu người, vốn là thước đo về mức sống của người dân.