"Ông trùm" bất động sản đam mê ở ẩn, giấu nhẹm chuyện đời tư
Mặc dù vô cùng giàu có và nổi tiếng nhưng tỷ phú này luôn giấu kín chuyện riêng tư trước truyền thông và công chúng.
Đây là Philip Anschutz, 84 tuổi, một ông trùm đúng nghĩa với gia tài kinh doanh đồ sộ. Tuy nhiên, ông cũng nổi tiếng với biệt danh "tỷ phú ẩn dật nhất nước Mỹ".
Có lẽ nhiều người biết tới Lễ hội âm nhạc và nghệ thuật Thung lũng Coachella nổi tiếng nhất thế giới, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đình đám như Beyoncé, The Weeknd, Blackpink… Thế nhưng không phải ai cũng biết ông Anschutz là chủ sở hữu Tập đoàn Giải trí Anschutz (AEG), công ty mẹ của Coachella.
AEG sở hữu một số đội thể thao, điều hành hơn 100 câu lạc bộ, nhà hát và vũ đài trên khắp thế giới, sản xuất hoặc quản lý hơn 25 lễ hội âm nhạc.
Trước khi tham gia lĩnh vực giải trí, ông Philip Anschutz kiếm tiền từ dầu mỏ và đường sắt. Ông đã phát hiện được một mỏ dầu ở biên giới Wyoming-Utar vào năm 1979, ba năm sau, Mobil đã mua lại một nửa mỏ dầu với giá 500 triệu USD.
Tiếp đó, ông Philip mua công ty đường sắt Rio Grande và Southern Pacific vào những năm 1980, rồi bán chúng vào năm 1995 với giá 1,4 tỷ USD nhưng vẫn giữ quyền đặt cáp quang trên các tuyến đường đó để phục vụ dịch vụ viễn thông.
Năm 2019, tạp chí Forbes cho biết, ông Philip Anschutz là một trong hai người đàn ông có tên trong bảng xếp hạng 400 người Mỹ giàu nhất hàng năm của tạp chí kể từ khi nó thành lập vào năm 1982.
Hiện ông Anschutz có tài sản ròng là 15,1 tỷ USD, giàu thứ 125 thế giới.
Theo thống kê của tạp chí Land Report, ông là người sở hữu đất đai nhiều thứ 27 nước Mỹ, xếp trên cả tỷ phú Jeff Bezos.
Bất động sản nổi tiếng nhất của Philip Anschutz là trang trại chăn nuôi gia súc rộng đến gần 1.300 km2 ở bang Wyoming.
Mặc dù là một tỷ phú nhưng Philip Anschutz vô cùng kín tiếng. Đời tư của ông rất ít khi được công chúng hay truyền thông biết tới. Người ta chỉ biết ông kết hôn với mối tình từ năm 16 tuổi và có 3 người con.
Ông chỉ thực hiện ba cuộc phỏng vấn chính thức kể từ năm 1979, và không có cuộc phỏng vấn nào trong giai đoạn năm 1980-2015.
Nhà kinh tế Jack Kyser nói với tờ Los Angeles Times năm 2006: "Anschutz giống như Phù thủy xứ Oz. Ông ấy là người đứng sau bức màn kéo đòn bẩy. Không ai nhìn thấy ông, nhưng ông ấy có tác động rất lớn đến Los Angeles".