Chia sẻ

Doanh nghiệp Mỹ khó khăn vì thuế nhập khẩu của ông Trump

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Mỹ hoãn thuế đối ứng nhưng vẫn giữ nhiều loại thuế khác, khiến các công ty như Honey-Can-Do đau đầu vì vấn đề chi phí và địa điểm sản xuất.

Ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại lớn trong 90 ngày, chỉ sau nửa ngày áp dụng. Thuế nhập khẩu vì thế lùi về 10% - mức áp với gần như toàn bộ các nước bán hàng sang Mỹ. Nhà đầu tư và kinh tế học toàn cầu thở phào. Nhưng với các doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở nước ngoài, khó khăn vẫn chưa chấm dứt.

Steve Greenspon - CEO công ty sản xuất đồ gia dụng Honey-Can-Do International - đã chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Công ty này sản xuất các mặt hàng như kệ đồ, móc treo áo và giỏ giặt cho các đại gia bán lẻ Mỹ như Walmart, Target và Amazon.

Trước khi ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ đầu, khoảng 70% sản phẩm của họ phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc. Hiện tại, tỷ lệ này giảm còn 30%, do Honey-Can-Do chuyển bớt chuỗi cung ứng ra nước ngoài.

Việc Mỹ áp thuế 10% với toàn bộ đối tác thương mại từ 5/4 khiến Greenspon thêm khó khăn. Ông đã đầu tư rất lớn vào địa điểm mới. "Đây là đòn giáng với công ty chúng tôi. Tôi rất thất vọng", Greenspon nói.

Chuyển sản xuất về Mỹ cũng không phải là lựa chọn hợp lý, vì chi phí nhân công cao và thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Ông cho rằng thuế nhập khẩu sẽ buộc doanh nghiệp tăng giá sản phẩm, từ đó khiến hàng hóa khó cạnh tranh hơn.

Bên trong một nhà máy của Honey-Can-Do. Ảnh: Softeon

Bên trong một nhà máy của Honey-Can-Do. Ảnh: Softeon

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump đã khiến các doanh nghiệp tìm đến chiến lược "Trung Quốc + 1". Theo đó, họ chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, vừa tận dụng chi phí nhân công thấp hơn, vừa trung hòa rủi ro thuế nhập khẩu của Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách thuế mới của ông Trump đã buộc doanh nghiệp nghĩ lại. "Chiến lược Trung Quốc + 1 đã bị tổn hại nặng nề vì thuế nhập khẩu mới. Khả năng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và chuyển hướng sản xuất sang các nước có quan hệ thương mại tốt đẹp hơn với Mỹ đã không còn", Eswar Prasad - Giáo sư kinh tế và thương mại quốc tế tại Đại học Cornell cho biết trên CNBC.

Theo chính sách mới, từ ngày 5/4, hàng nhập khẩu của các nước vào Mỹ chịu thuế 10%. Trong khi đó, mức áp dụng với Trung Quốc lên tổng cộng 125% trong nhiệm kỳ hai của ông Trump.

Trên lý thuyết, sự chênh lệch này đồng nghĩa sản xuất tại các quốc gia khác có thể vẫn lợi thế hơn so với Trung Quốc. "Tuy nhiên, mục tiêu của việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu là giảm chi phí và tăng hiệu suất. Thuế nhập khẩu đã xóa bỏ điều này", Prasad nói. Chi phí để duy trì "chuỗi cung ứng gọn, nhẹ xuyên biên giới" sẽ tăng lên nhiều lần.

Hãng bán đồ văn phòng phẩm Simplified (Mỹ) sản xuất sản phẩm tại các nhà máy ở Trung Quốc từ năm 2013. Trên CBS, Giám đốc Emily Ley cho biết thuế nhập khẩu "sẽ phá hủy" việc kinh doanh của bà, khiến doanh nghiệp tốn thêm 630.000 USD chi phí trong năm tới.

"Chúng tôi phải nâng giá sau các đợt tăng thuế trước. Nhưng tình hình hiện tại là quá sức chịu đựng", Ley nói. Để tiết kiệm chi phí, công ty đã giảm lương nhân công và thu hẹp các kế hoạch mở rộng kinh doanh thời gian qua.

Matt Weyandt - đồng sáng lập hãng sản xuất chocolate Xocolatl thậm chí còn không có lựa chọn mua nguyên liệu trong nước, vì cây cacao không thể trồng tại Mỹ.

"Giá cacao vốn đã đắt đỏ, giờ chúng tôi phải trả thêm 10% thuế nữa. Áp thuế cũng không thể đưa việc làm ngành cacao về Mỹ, chỉ gây thiệt hại cho các hãng chocolate trong nước", ông nói.

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế và chuỗi cung ứng kỳ vọng thuế nhập khẩu sẽ được giảm xuống sau khi chính quyền ông Trump đàm phán với các nước. Daniel Newman - CEO hãng nghiên cứu The Futurum Group dự báo trên CNBC rằng "nhiều thỏa thuận thương mại công bằng hơn" sẽ đạt được với các đối tác như Việt Nam và Ấn Độ.

"Tôi nói chuyện với nhiều CEO. Họ cho biết cách thức đối phó trong suốt thập kỷ qua đang lung lay. Sự thiếu chắc chắn hiện tại khiến họ không thể xây dựng kế hoạch giảm thiểu tác động nào thật hiệu quả", Newman nói.

Các doanh nghiệp chịu tác động từ thuế nhập khẩu đang làm việc với đối tác cung ứng để tìm giải pháp. Tuy nhiên, "nếu thuế vẫn giữ nguyên như hiện tại, các khoản đầu tư theo chiến lược Trung Quốc + 1 sẽ thành vô ích", Newman kết luận.

Nhiều quốc gia xúc tiến đàm phán thuế nhập khẩu với Mỹ. Doanh nghiệp vì thế vẫn chờ đợi trước khi thay đổi kế hoạch sản xuất. Chính quyền Trump tuyên bố một trong các mục tiêu của thuế nhập khẩu là đưa lượng lớn hoạt động sản xuất về Mỹ. Tuy nhiên, đây là quá trình tốn kém và cần nhiều thời gian, đặc biệt với các ngành công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tùy vào từng ngành, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp lại có những ràng buộc khác nhau, từ nguyên liệu đầu vào, cơ sở hạ tầng, chất lượng và chi phí lao động đến chính sách của nước sở tại.

Ví dụ, Foxconn - đối tác lắp ráp của Apple - phải mất nhiều năm mới đưa được các nhà máy tại Ấn Độ vào vận hành. Và các cơ sở này thường xuyên phát sinh vấn đề. "Đầu tư xây dựng nhà máy không phải là việc dễ dàng hay có thể đảo ngược nhanh chóng. Chuyển nhà máy sang địa điểm mới phải mất nhiều năm", Arthur Dong - Giáo sư chiến lược và kinh tế tại Đại học Georgetown kết luận.

Thị trường tài chính Mỹ bật tăng mạnh sau tuyên bố tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Động...

Theo Hà Thu (theo CNBC, CBS News) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Mỹ áp thuế đối ứng

Xem Thêm