Tuyển sinh đại học: Chứng chỉ ngoại ngữ nội 'mất giá'
Cả nước có 35 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) được Bộ GD&ĐT cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh VSTEP (Vietnamese standardized test of English proficiency). Tuy nhiên, số lượng trường ĐH sử dụng chứng chỉ này để tuyển sinh ĐH chính quy chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2025.
Cấp chứng chỉ nhưng không công nhận xét tuyển
Chứng chỉ tiếng Anh VSTEP đánh giá khả năng sử dụng tiếng Anh của người học ở các cấp độ khác nhau, từ A2 đến C1 theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Chứng chỉ được chấp nhận trong thi tuyển công chức, nâng ngạch... Thế nhưng rất nhiều trường ĐH không chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ này khi xét tuyển ĐH chính quy.
Trong Đề án tuyển sinh năm 2025, ĐH Kinh tế Quốc dân xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL) kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT; kết hợp kết quả thi đánh giá tư duy (ĐH Bách khoa Hà Nội), kết quả thi đánh giá năng lực (2 ĐH Quốc gia). Trường ĐH Ngoại thương cũng chỉ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khi xét tuyển kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội dự kiến giữ ổn định phương thức xét tuyển như năm 2024. Theo đó, phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, và chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS hoặc TOEFL.
Trong số các trường ĐH lớn, hiện mới ghi nhận ĐH Bách khoa Hà Nội chấp nhận chứng chỉ VSTEP. Đây là ĐH có số lượng chứng chỉ tiếng Anh được chấp nhận xét tuyển nhiều nhất hiện nay. Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng chấp nhận chứng chỉ VSTEP trong xét tuyển ĐH năm nay.
Điều đáng nói, nhiều trường tổ chức thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh VSTEP nhưng vẫn nói không với chứng chỉ này khi tuyển sinh ĐH như Trường ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân.
Bà Phạm Thanh Hà, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng quản lí đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ việc sử dụng các chứng chỉ đánh giá năng lực ngoại ngữ cần được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng. Nhà trường đang trong quá trình nghiên cứu và cân nhắc việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh VSTEP để đảm bảo sự phù hợp với định hướng đào tạo và yêu cầu của từng chương trình.
TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lí đào tạo, ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, nhà trường chỉ xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đối với tuyển sinh ĐH chính quy. Chứng chỉ tiếng Anh VSTEP sẽ được xem xét xét tuyển sau này.
Liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển sinh, mỗi trường ĐH lại đưa ra định mức quy đổi khác nhau. Cùng đạt 5.5 IELTS, nhưng ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam quy đổi thành 9.0/10 điểm; Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường ĐH Thăng Long quy đổi là 8,0/10 điểm còn Trường ĐH Giao thông Vận tải quy đổi là 8,5/10 điểm. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng là đơn vị đào tạo xét chứng chỉ tiếng Anh IELTS ở mức 4.0, mức thấp nhất cho đến thời điểm này (được quy đổi là 6/10 điểm). Ở mức điểm IELTS 5.0, có trường không xét (ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thăng Long) nhưng lại được quy đổi thành 8,5/10 điểm (ĐH Bách khoa Hà Nội), 8,0/10 điểm (Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Giao thông Vận tải).
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia xét tuyển ĐH. Vì vậy, việc đổi mới quy chế tuyển sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở cấp THPT, đặc biệt là lớp 12. |
Nhiều điều chỉnh mới
Theo phương án tuyển sinh năm 2025 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Trường ĐH Việt Pháp), trường áp dụng bốn phương thức tuyển sinh cho 17 ngành với tổng 1.088 chỉ tiêu. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trong 17 ngành đào tạo có 6 ngành xét tuyển từ 4 đến 6 tổ hợp, trong khi nhiều ngành tuyển sinh theo 11-12 tổ hợp. Đặc biệt một số ngành có tới 19-20 tổ hợp xét tuyển.
Ngành Khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh giữ kỉ lục với 20 tổ hợp xét tuyển, trở thành ngành có số lượng tổ hợp xét tuyển nhiều nhất trong hệ thống ĐH hiện nay. Nhiều ngành khác tại trường cũng có số lượng tổ hợp xét tuyển lớn, như ngành toán ứng dụng với 19 tổ hợp xét tuyển. Năm 2024, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường xét tuyển từ 3-4 tổ hợp/ngành. Theo quy chế tuyển sinh ĐH từ năm 2024 trở về trước, mỗi ngành không được xét tuyển quá 4 tổ hợp. Nhưng ở dự thảo Quy chế tuyển sinh mới dự kiến áp dụng từ năm 2025, Bộ GD&ĐT không còn khống chế số lượng tổ hợp xét tuyển/ngành học, chỉ yêu cầu mỗi tổ hợp xét tuyển cần có 1 trong 2 môn là Ngữ văn hoặc Toán.
Một số trường cũng điều chỉnh phương thức xét tuyển về mặt kĩ thuật áp dụng từ năm 2025. Ví dụ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm nay chấp nhận quy đổi điểm môn tiếng Anh đối với những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh. Điểm tiếng Anh quy đổi sẽ được kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT thành tổ hợp môn xét tuyển. Chứng chỉ tiếng Anh IELTS 5.0 sẽ được quy đổi thành 7/10 điểm trong tổ hợp xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên muốn xét tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ không phải đăng kí thi tốt nghiệp môn tiếng Anh vì đã được công nhận quy đổi.
7 đại học quy đổi IELTS 4.0-5.0 trở lên để xét tuyển, trường Kinh tế Quốc dân yêu cầu cao nhất, đạt 7.5 thí sinh mới...