Chia sẻ

Trả tiền để hóng drama

Mới đây, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao trước vụ việc liên quan đến streamer ViruSs và những lùm xùm tình ái của anh ta. Buổi livestream (phát trực tiếp) tối 28/3, ViruSs đã thu hút gần 5 triệu lượt xem và nhận được nhiều quà tặng có giá trị từ người hâm mộ, chưa kể số tiền người xem trả phí để có thể bình luận hoặc tham gia thảo luận. Công chúng, dù vô tình hay hữu ý, đang góp phần tiếp sức cho những drama (chuyện ồn ào, giật gân) độc hại bùng nổ trên mạng xã hội.

“Show diễn tình ái” và thị hiếu công chúng

Nội dung chính của buổi livestream hơn một tiếng đồng hồ trên TikTok của ViruSs xoay quanh việc nam streamer phân bua về lùm xùm tình ái của mình, đặc biệt là cuộc đối chất trực tiếp với rapper Pháo. Sự kiện này đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng, việc công khai đời tư để thu hút sự chú ý và kiếm tiền là không phù hợp. Một số người bày tỏ lo ngại về việc khán giả, đặc biệt là giới trẻ, đang dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho những nội dung thiếu giá trị.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Thanh Long nhận xét: “Chúng ta đang chứng kiến một dạng tiêu thụ nội dung đáng lo ngại. Việc công chúng đổ xô vào những buổi đối chất đời tư cho thấy nhu cầu giải trí đang lệch lạc, thiên về tò mò, soi mói hơn là tiếp nhận thông tin có giá trị”.

Không ít khán giả cũng bày tỏ thái độ bất bình. Một người dùng mạng xã hội bình luận: “Chuyện tình cảm cá nhân của ai đó, đúng sai thế nào, đâu liên quan đến chúng ta? Vậy mà hàng triệu người vẫn vào nghe, tranh cãi, rồi tặng quà cả triệu đồng. Thật lạ lùng”. Một người khác mỉa mai: “Livestream tình ái, toàn chuyện anh kia cặp với chị này mà cũng thành sự kiện hot, đúng là thời đại thị phi”.

ViruSs kiếm tiền tỷ sau livestreams giãi bày đời tư

ViruSs kiếm tiền tỷ sau livestreams giãi bày đời tư

Điều gây tranh cãi nhất không chỉ nằm ở nội dung buổi phát sóng, mà còn ở cách ViruSs biến câu chuyện riêng tư của mình thành công cụ thu lợi. Để tham gia bình luận trong livestream, khán giả phải đăng ký hội viên với mức phí khoảng 135.000-155.000 đồng/tháng. Theo ước tính, chỉ riêng số tiền từ việc đăng ký này, nam streamer có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Chưa kể, trong quá trình phát sóng, ViruSs liên tục nhận được nhiều quà tặng ảo từ khán giả, có giá trị từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng mỗi món. Tổng thu nhập từ buổi livestream được cho là lên đến hàng tỷ đồng khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ thật sự của ViruSs khi thực hiện chương trình “trực tiếp giãi bày”.

Nhà nghiên cứu văn hóa số Lê Quỳnh Trang cho rằng: “Vấn đề không nằm ở ViruSs hay bất kỳ nhân vật nào, mà ở chính công chúng. Nếu khán giả tiếp tục tiêu thụ và trả tiền cho những nội dung giật gân, thiếu chiều sâu như vậy, thì những “show diễn tình ái” sẽ còn nở rộ. Những phiên livestream như thế không mang lại tri thức, kỹ năng hay cảm hứng nghệ thuật. Chúng tồn tại nhờ vào sự tò mò và thói quen ăn theo lùm xùm của người xem. Và càng có nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để hóng chuyện, thị trường nội dung mạng xã hội sẽ ngày càng chật chội bởi những ồn ào vô bổ”.

Chuyên gia lý giải, hiệu ứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ) cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc khiến câu chuyện ViruSs - Pháo trở thành “món ăn bắt buộc phải hóng”. Khi mạng xã hội ngập tràn bình luận, video phân tích từng ánh mắt, câu nói trong livestream, việc một người không biết gì về vụ việc này khiến họ có cảm giác bị gạt ra ngoài vòng xoáy xã hội.

“Hít drama” thành xu hướng

Trong thời gian gần đây, làn sóng livestream tại Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của nhiều nội dung thiếu giá trị, nhưng vẫn thu hút lượng lớn người xem. Trước đó không lâu, hiện tượng mạng Lộc Fuho đã thu hút tới 314.700 người xem trực tiếp trong một buổi livestream. Nội dung chủ yếu xoay quanh những câu chuyện “cần thêm rất nhiều muối” (mới đủ mặn), nhưng vẫn nhận được sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Anh từng tự ví mình đẹp trai gấp đôi ca sĩ Sơn Tùng M-TP và thường xuyên so sánh bản thân với nam diễn viên Hàn Quốc Lee Min-ho, gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ cư dân mạng.

Cư dân mạng vẫn đang hóng biến quan hệ tình cảm của Kim Sae-ron và đàn anh Kim Soo Hyun

Cư dân mạng vẫn đang hóng biến quan hệ tình cảm của Kim Sae-ron và đàn anh Kim Soo Hyun

Trong giai đoạn từ 2021 đến đầu 2022, bà Phương Hằng đã liên tục tổ chức hàng trăm buổi livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Nội dung chính của các buổi phát sóng này tập trung vào việc “bóc phốt”, công kích cá nhân nhiều nghệ sĩ, nhà báo, luật sư, thậm chí cả người thân quen. Bà dùng những lời lẽ nặng nề, thô tục, kích động đám đông bằng những câu chuyện chưa được kiểm chứng.

Điều đáng nói là, bất chấp sự độc hại trong ngôn từ và thông tin, mỗi buổi livestream của bà Phương Hằng đều thu hút hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt xem trực tiếp. Một lượng lớn khán giả say mê, hả hê khi nghe bà chửi bới, kể chuyện giật gân, sẵn sàng thức trắng đêm, bỏ cả công việc để "hóng biến".

Đỉnh điểm của sự việc là tháng 3/2022, bà Phương Hằng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo TS. Nguyễn Mai Hoa (Viện Tâm lý học), bản năng tò mò về đời tư người khác là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng trong môi trường mạng, khi thông tin được trình bày như một cuộc chiến, một sô giải trí có hồi kết mở, người xem dễ dàng bị cuốn vào và trở nên lệ thuộc. “Không chỉ vậy, tâm lý so sánh bản thân với người nổi tiếng cũng âm thầm chi phối hành vi của khán giả. Khi chứng kiến những lùm xùm tình ái, sự đổ vỡ hay tranh cãi của những gương mặt từng được tung hô, công chúng cảm thấy mình bớt tệ hơn, ít thảm hại hơn. Drama, ở một mức độ nào đó, trở thành liều thuốc xoa dịu cảm giác bất toàn cá nhân”, chuyên gia tâm lý phân tích.

Giá của việc biến chuyện đời tư thành trò diễn

Câu view bằng chuyện riêng tư như trường hợp của ViruSs không phải là hiện tượng cá biệt. Trên thế giới, nhiều nhân vật nổi tiếng đã lao đao, sự nghiệp xuống dốc sau những bê bối tương tự.​

Tại châu Á, khán giả không thể quên cú trượt dài của Edison Chen (Trần Quán Hy). Năm 2008, bê bối rò rỉ loạt ảnh riêng tư nhạy cảm của anh với nhiều nữ nghệ sĩ nổi tiếng đã làm chấn động showbiz Hồng Kông (Trung Quốc). Dù ban đầu người hâm mộ tò mò, theo dõi từng diễn biến, nhưng sau cùng, dư luận quay lưng dữ dội, buộc Edison phải từ giã sự nghiệp, rút lui khỏi làng giải trí.

Năm 2022, Kim Sae-ron, nữ diễn viên Hàn Quốc được gọi là “thần đồng diễn xuất” từng gây chấn động dư luận khi bị bắt vì lái xe trong tình trạng say rượu, gây tai nạn và làm hư hỏng tài sản công cộng. Sự cố này dẫn đến việc Kim Sae-ron bị chỉ trích nặng nề, phải chịu án phạt 20 triệu won và bị nhiều đài truyền hình “cấm sóng”. Năm 2024, cô bất ngờ đăng ảnh thân mật bên đàn anh Kim Soo Hyun lên trang cá nhân rồi xóa đi, khiến nhiều fan bất bình, chỉ trích cô ăn theo tên tuổi tài tử. Phía nam diễn viên sau đó phủ nhận chuyện tình. Nhiều nguồn tin cho biết, sau đó nữ diễn viên bị lao đao, ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Đến tháng 2/2025, Kim Sae-ron được phát hiện đã qua đời tại nhà riêng. ​Mối quan hệ giữa Kim Sae-ron và Kim Soon Hyun vẫn chưa hết gây tranh cãi, “kênh bóc phốt” xứ kim chi liên tục réo tên nam diễn viên, cho rằng anh phải chịu trách nhiệm trước cái chết của Sae-ron. Cư dân mạng Việt Nam cũng không bỏ lỡ bất cứ tình tiết nào của vụ ồn ào này.

Một ví dụ khác là Charli D’Amelio, ngôi sao TikTok đình đám của Mỹ. Năm 2020, Charli và chị gái Dixie vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội sau khi phát hành một video trên YouTube, trong đó hai cô tỏ ra khó chịu, kênh kiệu với món ăn mà đầu bếp riêng chuẩn bị. Hành động nhỏ nhưng thể hiện thái độ thiếu tôn trọng khiến Charli mất hơn 1 triệu người theo dõi chỉ trong 24 giờ.

Có một thực tế là, không ai có thể đứng vững lâu dài trên scandal và bê bối đời tư. Sự tò mò của công chúng là có thật, nhưng khi niềm tò mò ấy bị lạm dụng, bị biến thành công cụ trục lợi, chính khán giả sẽ quay lưng. Sân khấu của những “drama” đời tư chưa bao giờ là nơi an toàn để xây dựng sự nghiệp.

ĐẠT NHI

“Hít drama” là từ lóng của dân mạng, chỉ hành động hóng chuyện, hóng phốt, hóng ồn ào của người khác. Để có thể “hít drama”, nhiều người sẵn sàng bỏ thời gian, tiền bạc, thức xuyên đêm như trường hợp buổi livestreams của ViruSs với mục tiêu “không bỏ lỡ dù chỉ là một chi tiết”.

Livestream ViruSs-Pháo gây sốt với 4,8 triệu lượt xem, làm dấy lên lo ngại về định hướng giá trị và thị hiếu giới trẻ...

Theo Hạ Đan ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Sao và scandal hậu trường đình đám

Xem Thêm