Thị trường vàng chao đảo, kho vàng lớn thứ hai thế giới bận rộn bất thường
Bên dưới lòng đất London, hệ thống tàu điện ngầm chạy sát các hầm chứa vàng khổng lồ của Ngân hàng Anh, nơi cất giữ khoảng 500 tỷ USD vàng cho các quốc gia, ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính.
Thông thường, vàng ở đây ít bị dịch chuyển, nhưng từ đầu năm nay, nhóm nhân viên quản lý kho dự trữ phải làm việc liên tục để đáp ứng nhu cầu rút vàng tăng vọt.
Nguyên nhân chính đến từ các nhà giao dịch tranh thủ cơ hội kiếm lời từ chênh lệch giá vàng giữa London và New York, khi thị trường lo ngại Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế lên kim loại quý này. Điều này dẫn đến lượng vàng rút khỏi kho Ngân hàng Anh cao nhất trong hơn một thập kỷ, gây áp lực lớn lên hệ thống hậu cần toàn cầu.
Thỏi vàng được lưu trữ tại Ngân hàng Anh
Vì sao vàng đổ về Mỹ với tốc độ kỷ lục?
Từ khi ông Trump tái đắc cử, hơn 20 triệu ounce vàng, trị giá khoảng 60 tỷ USD, đã được chuyển đến các kho của sàn giao dịch Comex tại New York, phần lớn từ thị trường London - trung tâm giao dịch vàng lớn nhất thế giới.
Giá vàng tại Mỹ tăng nhanh hơn các nơi khác do lo ngại chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Trump có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá: mua vàng giao ngay tại London rồi bán hợp đồng tương lai tại Mỹ, đảm bảo lợi nhuận khoảng 50 USD mỗi ounce. Lợi nhuận hấp dẫn đã khiến hàng loạt giao dịch được thực hiện, kéo theo nhu cầu vận chuyển vàng ở quy mô chưa từng có.
Việc rút và vận chuyển vàng từ Ngân hàng Anh không đơn giản. Đội ngũ 15 nhân viên được kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt phải đích thân "đào" từng thỏi vàng nặng 12,5 kg ra khỏi kho. Do mỗi nhà đầu tư chỉ sở hữu một số thỏi vàng cụ thể, việc tìm kiếm và dịch chuyển đúng thỏi vàng yêu cầu có thể mất nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày.
Một trở ngại khác là cấu trúc đất sét bên dưới London khiến vàng không thể được xếp chồng quá cao, làm chậm quá trình vận chuyển. Mỗi ngày, các xe bọc thép của Brink’s và các công ty an ninh khác đều đến kho Ngân hàng Anh để nhận vàng, sau đó đưa ra sân bay.
Tuy nhiên, thay vì bay thẳng đến Mỹ, vàng trước tiên phải được gửi đến Thụy Sĩ để đúc lại thành thỏi 1 kg - kích thước tiêu chuẩn của hợp đồng tương lai trên sàn Comex. Quá trình này khiến các nhà máy tinh luyện vàng rơi vào tình trạng quá tải trong nhiều tháng liền.
Liệu lượng vàng khổng lồ này có quay trở lại London?
Dù Nhà Trắng chưa chính thức tuyên bố sẽ áp thuế lên vàng, nhưng rủi ro này vẫn khiến giới đầu tư đổ xô gom hàng. Tuy nhiên, khi cơ hội chênh lệch giá khép lại, câu hỏi đặt ra là số vàng này sẽ đi đâu tiếp theo?
Mỹ vốn là nước xuất khẩu vàng ròng, nên khi nhu cầu nội địa giảm, các thỏi vàng mới đúc có thể quay lại London hoặc chảy sang châu Á và Trung Đông để đáp ứng nhu cầu vật chất. Nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tích trữ vàng, một số thỏi có thể sẽ được đúc lại theo chuẩn London và gửi về kho Ngân hàng Anh. Điều này có thể tạo ra một vòng xoáy vận chuyển vàng liên tục giữa các thị trường tài chính lớn.
Sự gia tăng nhu cầu rút vàng đã khiến Ngân hàng Anh hết sạch lịch hẹn để rút vàng trong vài tuần tới.