Chia sẻ

Lần đầu tiên máy bay không người lái xuất hiện trên đỉnh Everest

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Lần đầu tiên, máy bay không người lái được sử dụng để vận chuyển thiết bị và hỗ trợ người Sherpa trên đỉnh Everest, mở ra bước ngoặt mới trong hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới”. Công nghệ đang từng bước làm thay đổi cách con người đối mặt với thử thách hiểm nguy bậc nhất hành tinh.

Những tiếng động cơ vút qua bầu trời yên tĩnh của dãy Himalaya không còn xa lạ. Một chiếc thang được thả xuống từ trên cao, không phải bởi bàn tay người, mà từ một thiết bị bay không người lái. Đó là hình ảnh đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử chinh phục đỉnh Everest: Máy bay không người lái chính thức trở thành “cánh tay nối dài” của con người ở độ cao hơn 6.000m.

Phi công máy bay không người lái Milan Pandey đang đứng tại Trại căn cứ Everest.

Phi công máy bay không người lái Milan Pandey đang đứng tại Trại căn cứ Everest.

Milan Pandey - phi công máy bay không người lái đến từ Airlift Technology, một công ty startup công nghệ bản đồ tại Nepal, đang điều khiển thiết bị từ Trại căn cứ Everest (cao 5.364m). Anh không mang giày đinh, không dùng rìu băng, nhưng lại góp phần thiết yếu cho sự an toàn của hàng trăm người leo núi. Những vật dụng như thang, dây thừng, bình dưỡng khí hay thuốc men giờ đây có thể được vận chuyển nhanh chóng bằng máy bay không người lái (drone) đến thác băng Khumbu - khu vực nguy hiểm bậc nhất trên hành trình chinh phục đỉnh Everest.

Trong khi người Sherpa - những người mở đường dãy Himalaya cần từ 6-7 giờ để di chuyển từ Trại căn cứ Everest đến Trại 1 (cao 6.065m) - thì drone chỉ mất chưa đầy 7 phút. Khoảng cách 2,9km đường giờ đã được thu hẹp bằng công nghệ, giảm đáng kể thời gian và rủi ro cho những “bác sĩ băng giá”.

Sáng kiến sử dụng drone được hình thành sau thảm kịch lở tuyết năm 2023, khiến 3 hướng dẫn viên kỳ cựu mất tích. Mingma G Sherpa - người sáng lập công ty thám hiểm Imagine Nepal - chia sẻ: “Họ đã phải leo lên xuống hàng chục lần chỉ để khảo sát rồi lấy thiết bị. Tôi từng nghe ở Trung Quốc người ta dùng drone trong leo núi và tôi nghĩ tại sao Nepal lại không?”.

Một chiếc máy bay không người lái bắt đầu hạ thang xuống sông băng Khumbu.

Đúng lúc đó, công ty công nghệ Airlift Nepal dưới sự dẫn dắt của CEO Raj Bikram đang phối hợp với chính quyền khu vực Khumbu để lập bản đồ 3D đỉnh Everest. Một câu hỏi đơn giản từ thị trưởng “drone chở được bao nhiêu?” đã mở ra một dự án thử nghiệm quy mô. Với sự hỗ trợ từ hai chiếc drone DJI do Trung Quốc tài trợ, Airlift bắt đầu các chuyến bay đầu tiên từ tháng 4/2024.

Sau một tháng làm quen với địa hình khắc nghiệt và thời tiết bất thường, drone đã hoàn thành chiến dịch dọn rác đầu tiên: Mang hơn 500kg rác từ Trại 1 về Trại căn cứ qua 40 chuyến bay. Để đảm bảo an toàn, mỗi lần chỉ vận chuyển khoảng 20kg, dù khả năng tối đa có thể đạt tới 30kg.

Dawa Janzu Sherpa, 28 tuổi, là “người tiên phong” trong đội icefall doctor - nhóm mở đường đầu tiên qua những khối băng nguy hiểm. Với kinh nghiệm tám mùa Everest, anh hiểu rõ từng vết nứt, từng tháp băng. Nhưng anh cũng thừa nhận drone đã thay đổi cuộc chơi.

“Công việc của chúng tôi rất gấp rút. Nếu không mở đường kịp, các đoàn thám hiểm sẽ bị trễ. Nhờ drone mang thiết bị lên trước, chúng tôi không phải quay lại chỉ để lấy cái thang”, Janzu nói. Anh là trụ cột của gia đình nhỏ với vợ và hai con gái, anh cũng cho biết: “Nếu có cách làm công việc này an toàn hơn, tôi hoàn toàn ủng hộ”.

Một chiếc máy bay không người lái đang tiến gần đến Trại căn cứ Everest.

Dù drone đã giúp giảm một nửa thời gian và nguy cơ, nhưng người Sherpa vẫn là nhân tố không thể thay thế. Họ là người ra quyết định tuyến đường, người đầu tiên bước vào nguy hiểm. Drone chỉ là công cụ, còn linh hồn của hành trình vẫn là con người.

Mùa leo núi Everest 2025 vừa khởi động. Đa số các đoàn thám hiểm sẽ lên đỉnh vào tháng 4 và 5.

Caroline Ogle - chuyên gia điều phối từ công ty Adventure Consultants (New Zealand) - cho rằng: “Drone là một phần của sự tiến hóa trong leo núi. Giống như điện thoại vệ tinh và dự báo thời tiết từng thay đổi cuộc chơi, giờ là drone”.

Lisa Thompson - người từng chinh phục cả bảy đỉnh cao nhất thế giới - cũng đồng tình: “Drone không làm mất đi bản chất của leo núi. Thử thách vẫn nguyên vẹn và ngọn núi vẫn sừng sững như ngày nào”.

Dù bước đầu thành công nhưng việc mở rộng sử dụng drone vẫn đối mặt nhiều thách thức. Mỗi thiết bị có giá 70.000 USD (khoảng 1,8 tỷ đồng), chưa tính chi phí nhiên liệu, nhân lực, ăn ở tại Trại căn cứ Everest - nơi mọi thứ đều khan hiếm và đắt đỏ.

Tuy vậy, với tâm huyết của những người như Bikram và Pandey - những kỹ sư và phi công say mê công nghệ, giấc mơ hiện đại hóa ngành leo núi Nepal đang dần thành hình. Không chỉ để chinh phục đỉnh Everest mà còn để bảo vệ những con người đã và đang sống cùng ngọn núi này.

Đỉnh Everest hiện là một trong những địa điểm leo núi hấp dẫn nhất thế giới. Hậu quả của việc ngày càng có nhiều người...

Theo Hồng Nhung (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Kinh nghiệm du lịch

Xem Thêm