Cách đón năm mới đầy ấn tượng của một bộ lạc ở "quốc gia trăm đảo"
Vào những ngày cuối tháng 12, người Orang Asli đến từ bộ tộc Temuan ở Malaysia đã có cách tiễn đưa năm cũ và đón năm mới đầy ấn tượng và thú vị.
Lễ kỷ niệm Ngày Tổ tiên của người Temuan thuộc bộ lạc Orang Asli ở Malaysia được tổ chức từ tháng 12 đến tháng 1 với những ngày khác nhau và những cách truyền thống khác nhau tùy thuộc vào bộ tộc. Họ thực hiện các nghi lễ và cầu nguyện tại khu mộ tổ tiên để tôn vinh những linh hồn đã che chở cho người dân và mang lại cuộc sống tốt đẹp cho thế hệ hiện tại.
Hầu hết bộ tộc Temuan, bộ tộc lớn thứ 4 trong số 18 nhóm Orang Asli ở bán đảo Malaysia có nhiều phong tục tương tự như người Mã Lai. Mỗi khu định cư Temuan có ngày kỷ niệm và truyền thống riêng, thường gắn liền với các yếu tố gần nơi bộ tộc sinh sống.
Khói bao phủ khu mộ khi bộ lạc đốt lá khô để dọn sạch bụi rậm. Đàn ông lập bàn thờ để dâng lễ vật, còn phụ nữ và trẻ em dọn dẹp mồ mả.
Một người đàn ông Temuan giao tiếp với linh hồn tổ tiên của mình đến nếm thử đồ cúng. Ông cũng cầu nguyện tổ tiên cho sự bình an, thịnh vượng trong năm mới sắp tới.
Người Orang Asli đốt nhang và giấy tờ tương tự như "tiền âm phủ" để cúng tổ tiên. Người dân bản địa, đặc biệt là ở Selangor, đã chấp nhận những khía cạnh từ các nền văn hóa khác trong phong tục của họ.
Ngoài đồ ăn thức uống, thuốc lá, thuốc men cũng là những vật dụng thường được dâng trên bàn thờ. Lễ vật được phục vụ là những gì tổ tiên họ yêu thích khi còn sống.
Asih Anak Jehat là một thầy cúng ở Kampung Busut Baru, ông đang cầu nguyện tổ tiên phù hộ. Asih Anak Jehat cũng là người duy nhất của bộ tộc được huấn luyện để hành lễ vào Ngày Tổ tiên.
Nghệ sĩ và nhà hoạt động bản địa Shaq Koyok biểu diễn "mandi bedak" để gột rửa những điều xui xẻo của năm cũ. Sau khi thực hiện xong, Shaq bước về phía trước mà không nhìn lại như một dấu hiệu của sự tiếp tục iến lên.
Phụ nữ Temuan dệt tali dendan và tali angin làm từ lá cây dừa nước. Các vật phẩm này có chức năng dẫn đường cho tổ tiên đi xuống trong nghi lễ. Tali dendan cũng được treo trên cửa nhà như một dấu hiệu cho thấy ngôi nhà đang đón khách vào ngày lễ hội của họ.
Người Orang Asli nấu đồ ăn chay trong dịp này, vừa để ăn vừa để cúng tổ tiên. Bộ lạc kiêng thịt để ăn mừng.
Các cô gái Temuan trong trang phục truyền thống sau khi biểu diễn điệu múa sewang vào ngày thứ hai của Ngày Tổ tiên. Vào ngày này, họ tổ chức tiệc khiêu vũ, hát karaoke và tiệc chào đón năm mới.
Bà con, hàng xóm đến dự tiệc ở nhà, gần như cả làng sẽ đều đãi tiệc nhau. Các món ăn như ketupat, lemang và rendang được phục vụ vì đây là những món ăn truyền thống của bộ tộc.
Việc đốt pháo đánh dấu sự kết thúc của lễ tưởng nhớ tổ tiên. Ở đây, mỗi làng có ngày kỷ niệm Ngày Tổ tiên khác nhau để tránh trùng lặp các hoạt động. “Việc này nhằm tạo điều kiện cho người dân mỗi làng có thể đến thăm nhau khi ngày lễ đến và gìn giữ truyền thống", một trưởng làng cho biết.