Những đại gia Việt giàu "nứt đố đổ vách" nhưng chưa từng học đại học
Dù không sở hữu tấm bằng đại học - thứ vốn được mệnh danh là “chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai” nhưng các đại gia này vẫn tự mình tạo dựng được sự nghiệp đáng nể.
Đây là những đại gia đình đám trên thương trường nhưng ít ai biết, họ chưa từng ngồi ghế giảng đường đại học.
Bà Nguyễn Phương Hằng là người rất nổi tiếng trong giới doanh nhân. Bà Hằng hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam.
Do hoàn cảnh gia đình nên bà chủ Đại Nam chỉ mới học hết lớp 11, sau đó đi theo con đường kinh doanh.
Tuy nhiên, bà Phương Hằng vẫn có bằng giáo sư. Được biết, 2 vợ chồng bà được trường Đại học Apollos cấp bằng giáo sư thỉnh giảng để truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Đây là danh hiệu cao nhất mà trường Apollos trao tặng cho những doanh nhân có nhiều cống hiến trong sự nghiệp kinh doanh và hoạt động cộng đồng vì châu Á. Điều này cũng thể hiện được phần nào khả năng của nữ CEO.
Dù chỉ học hết lớp 12 nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Như Loan vẫn là một “nữ tướng” nổi tiếng trên thương trường Việt Nam.
Bà Loan hiện là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai, là chủ nhân của khối tài sản ước tính khoảng 778 tỷ đồng.
Người phụ nữ này khởi nghiệp bằng nghề chế biến, cung cấp đồ gỗ, qua đó sở hữu một gia sản khổng lồ từ những năm 80.
Ông Dương Ngọc Minh là một đại gia thủy sản có tiếng ở Việt Nam. Năm 1984, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công ty Đông lạnh Hùng Vương, một doanh nghiệp nhà nước tại quận 6, TP.HCM.
Sau một thời gian hoạt động, công ty Hùng Vương nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, đạt giá trị hơn 30 triệu USD/năm.
Theo thông tin ghi trên báo cáo gửi nộp Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Minh chỉ ghi vỏn vẹn mình tốt nghiệp trung học phổ thông (12/12) và có trình độ chuyên môn là nuôi trồng thủy sản.
Dù không có bằng đại học nhưng ông Minh vẫn có thể tạo dựng sự nghiệp nhiều người mơ ước. Công ty Hùng Vương có 6 nhà máy chế biến cá, gồm 12 phân xưởng, công ty hoàn toàn chủ động nguyên liệu sản xuất, khả năng xử lý từ 1.000 - 1.100 tấn nguyên liệu/ngày.
Khá dễ hiểu khi đại gia Dương Ngọc Minh còn có biệt danh là “vua cá tra”. Bên cạnh đó, tên ông cũng từng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.
Đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng là người không có duyên với giảng đường đại học. Năm 1982, khi vừa tròn 20 tuổi, bầu Đức tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm.
Sau đó, ông đã thi trượt đại học đến… 4 lần.
Năm 1990, ông mở một phân xưởng nhỏ có tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại quê nhà.
Sau đó, ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác để hình thành nên tập đoàn HAGL lớn như ngày nay.
Những năm 80, cùng với bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của doanh nhân Cường Đô La), ông Đức là một trong hai chủ buôn gỗ lớn nhất ở tỉnh Gia Lai.
Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ nổi tiếng là doanh nhân tài ba nhưng ít ai biết vị đại gia này chưa từng bước chân vào giảng đường đại học.
Dù vậy, ông Vũ vẫn “lèo lái” tập đoàn Hoa Sen đã thống trị thị trường tôn mạ với khoảng gần 50% thị trường nội địa. Tính đến ngày 29/5/2020, đại gia Lê Phước Vũ sở hữu trực tiếp 51,7 triệu cổ phiếu HSG và gián tiếp sở hữu 8.750 cổ phiếu HSG thông qua 100% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Tam Hỷ.