Trọng Tấn: 'Tôi không dám nhận mình là đại gia'
Trọng Tấn là một trong những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc đỏ, sở hữu nhiều bất động sản ở Hà Nội và Thanh Hóa nhưng anh không nhận mình là đại gia.
- Từng thể hiện một số dòng nhạc khác nhưng phần lớn khán giả vẫn nhớ anh với những tác phẩm ca ngợi quê hương, đất nước. Cơ duyên nào đã đưa anh đến với nhạc đỏ và gắn bó đến giờ?
- Tôi từng chỉ hát nhạc trẻ và bolero. Đến khi vào trường nhạc, tôi mới biết và dần làm quen với dòng nhạc chính thống. Bước ngoặt giúp tôi gắn bó với nhạc đỏ chính là khi mang ca khúc Tiếng đàn bầu đi thi Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999. Hiệu ứng khi ấy lớn đến mức tôi không tưởng tượng được. Từ đó, tôi liên tiếp cho ra các album Rặng trâm bầu, Việt Nam Tổ quốc tôi, Đi giữa mùa xuân... và luôn được đón nhận nồng nhiệt.
Con đường đến với âm nhạc của tôi cũng hoàn toàn tình cờ. Thời phổ thông, tôi biết chơi guitar và thi thoảng mang đàn đi hát cùng vài người bạn. Một anh bạn trong nhóm khi đó khen tôi có chất giọng rất hay và động viên tôi thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Lần đầu tiên tôi ra khỏi đất Thanh Hóa cũng là ngày ra Hà Nội đi thi. Khi ấy, tôi vô cùng bỡ ngỡ, không biết thi vào nhạc viện thì phải chuẩn bị những gì. Đến gặp cô Minh Huệ và thầy Trần Hiếu để ôn luyện khi chỉ còn 12 ngày nữa là kỳ thi diễn ra, tôi bị từ chối. Cô Minh Huệ khi ấy nhìn tôi và nói: "Muộn quá rồi, hẹn em năm sau quay lại". Đó như gáo nước lạnh, khiến tôi hụt hẫng vô cùng, cảm giác như mọi cánh cửa đã đóng lại khi chỉ đăng ký một nguyện vọng vào Nhạc viện.
Buồn quá, tôi sang phòng bên cạnh hát toáng lên vài bài. May sao cô Minh Huệ vô tình nghe thấy, đứng một lúc theo dõi và thay đổi quyết định. Cô nói thích giọng của tôi quá nên nhận lời hướng dẫn và cơ hội này chỉ dành cho người có thiên bẩm đặc biệt. Thầy Trần Hiếu sau khi đi công tác về cũng cùng cô dạy tôi. 12 ngày sau, tôi đi thi và đạt điểm tuyệt đối phần năng khiếu. Năm ấy, chỉ có ba người đỗ trong 100 người thi.
Trọng Tấn trong chương trình "Con đường âm nhạc" năm 2021.
- Từ chàng trai con nhà nghèo ra Hà Nội thi trường nhạc đến danh xưng "ông hoàng nhạc đỏ" hay "đại gia bất động sản" do bạn bè đặt cho, anh nghĩ nhạc đỏ có vai trò thế nào với tiền tài, danh vọng của mình?
- Âm nhạc là tất cả đam mê và cũng mang đến tất cả những gì tôi đang có. Sau hơn 20 năm kể từ lần đầu hát Tiếng đàn bầu trên truyền hình, tôi vẫn được nhiều khán giả yêu mến. Tôi không nhớ mình đã hát Tiếng đàn bầu bao nhiêu nghìn lần, chỉ biết là diễn ở đâu cũng được đề nghị hát ca khúc đó.
Tôi chẳng bao giờ đong đếm giá trị vật chất mà âm nhạc tạo ra và cũng không dám nhận mình là đại gia. Cuộc sống của tôi chỉ khá ổn thôi. Tất cả những gì tôi có đều xuất phát từ âm nhạc vì nhờ chắt chiu từ nghề, tôi mới có nền tảng để làm thêm một số lĩnh vực khác như nhà hàng, bất động sản, homestay...
Trọng Tấn khi thu hoạch cây trái ở khu nghỉ dưỡng rộng hàng nghìn m2 ở Sóc Sơn (Hà Nội). Anh được nhiều bạn bè đặt cho biệt danh đại gia bất động sản vì ngoài cơ ngơi này, anh còn có nhiều bất động sản khác như nhà phố rộng hàng trăm m2 ở quận Ba Đình (Hà Nội), biệt thự ở Thanh Hóa...
- Ngoài sự yêu mến của khán giả, cảm xúc cá nhân ảnh hưởng thế nào trong việc anh lựa chọn nhạc đỏ để gắn bó?
- Để hát mãi không biết chán thì ca sĩ phải có rung cảm thực sự với tác phẩm. Tôi vốn là người yêu văn học, lịch sử, lớn lên trong những câu chuyện về chiến trường do bố kể và cũng được ông cho nghe nhạc đỏ từ nhỏ. Có lẽ vì thế tôi thấy dễ rung cảm hơn với những điều xa xưa dù không sinh ra trong thời chiến.
- Nhìn lại con đường âm nhạc của mình, anh thấy có gì đặc biệt?
- Con đường âm nhạc của tôi rất thuận lợi và có nhiều may mắn. Tôi xuất hiện vào đúng thời điểm dòng nhạc chính thống đang cần sự chuyển mình sau một thời gian dài chưa có người phát huy, kế cận thế hệ hoành tráng của chú Trung Đức, Quang Thọ, cô Thanh Hoa... Hay không bằng hên, nếu không phải thiên thời địa lợi thì tôi có hát hay mấy cũng khó được ấn định một vị trí như hiện tại trong nền âm nhạc Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên tam ca nhạc đỏ Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn được thầy Quang Thọ tập hợp, đưa lên sân khấu tại sự kiện kỷ niệm 10 năm cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với ca khúc Việt Nam quê hương tôi. Tiết mục được cổ vũ nồng nhiệt. Lúc ấy, nhiều người xôn xao hỏi nhau ba thằng này là ba thằng nào mà hát hay thế. Sau đó, chúng tôi đi đâu cũng được đón nhận và liên tục được mời tham gia nhiều show diễn lớn.
Sau khi được NSND Quang Thọ ghép lại trong một tiết mục kỷ niệm 10 năm "Hoa hậu Việt Nam", Trọng Tấn cùng Đăng Dương và Việt Hoàn trở thành tam ca nhạc đỏ được nhiều người yêu thích.
- Trong hơn 20 năm làm nghệ thuật, đâu là thời điểm khó khăn nhất với anh?
- Đó là quyết định dừng chặng đường tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Trước đó, tôi cứ trăn trở mãi là nên đi hai chân hay dừng lại một hướng để tập trung cho hướng còn lại vì vừa chạy show vừa giảng dạy với tư cách giảng viên chính thức, dạy kín lịch cả tuần là một thử thách, áp lực quá lớn, đôi khi khiến mình kiệt sức. Dù vô cùng nuối tiếc, tôi vẫn cho quyết định thời điểm đó là đúng đắn, tự trọng với nghề dạy cũng như công việc biểu diễn.
Sau khi sắp xếp được thời gian, tôi đã quay trở lại nghề dạy với tư cách giảng viên thỉnh giảng của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thay vì phải cam kết dạy full-time như giảng viên chính thức, tôi chỉ cần dạy một số tiết nhất định, phù hợp với quỹ thời gian của mình. Tôi nghĩ đó cũng là cách phù hợp nhất để tri ân mái trường nhiều ơn nghĩa, kỷ niệm với mình.
- Có gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thành công, cuộc sống sung túc nhưng vẫn thiếu một danh hiệu so với bạn bè cùng thời. Nhìn lại hành trình của mình, đã bao giờ anh nuối tiếc, nghĩ rằng nếu mình không rời Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam năm đó thì bây giờ có lẽ đã có danh hiệu NSƯT hoặc NSND?
- Tôi nghĩ biết đủ là đủ. Bản ngã con người là mong cầu, có cái này nhưng lại muốn cái kia nhưng nếu biết bằng lòng với những gì mình có mới thấy bình an. Tôi giờ chỉ cần cuộc sống an yên mà thôi, thấy không cần phải lao ra nữa làm gì vì có nhiều hơn thì cũng có thể mất nhiều hơn.
Trọng Tấn bên bà xã và hai con trong ngày con gái Thảo Nguyên tốt nghiệp thủ khoa trung cấp đàn dân tộc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Anh nghĩ thế nào nếu được mời tham gia 'Anh trai vượt ngàn chông gai' hay một chương trình nào đó giúp mình được lột xác, đổi mới hoàn toàn?
- Tôi cũng mong có cơ duyên nào đó giúp mình làm mới và sẽ sẵn sàng nếu được mời vào Anh trai vượt ngàn chông gai. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm làm nghề, tôi nhận ra một nghệ sĩ đã có tên tuổi, được định hình phong cách trong lòng khán giả thì dù cố gắng làm mới thế nào cũng chỉ là cuộc dạo chơi, sau đó vẫn phải trở về với bản ngã của mình. Chẳng ai làm mới mãi được, nhất là những người đã quá nửa đời phiêu dạt như tôi (cười).
Nhiều bạn bè tới chơi dành lời khen căn nhà được xây "đẹp như đang ở căn nhà cổ tích nước Anh".