Chủ sàn giao dịch từ chối niêm yết Pi
CEO Bybit, sàn giao dịch đứng thứ hai thị trường tiền số, từ chối niêm yết Pi Network, nhắc đến việc từng gặp rắc rối do bị người lớn tuổi đòi lại tiền khi thua lỗ.
"Hôm nay nhiều người hỏi tôi có tham gia Pi không. Tôi nói đừng làm trò cười nữa", Ben Zhou, nhà sáng lập và CEO Bybit đăng trên X ngày 12/2. Bybit là sàn giao dịch tiền số có khối lượng giao dịch đứng thứ hai thị trường chỉ sau Binance, theo thống kê của CoinMarketCap.
Ngày 12/2, dự án Pi Network tuyên bố "mở mạng", tức có thể giao dịch với các tiền số khác, vào 20/2 sau 6 năm phát triển. Nhiều sàn tiền số như OKX, Mexc, Biget cho biết sẽ niêm yết Pi, trong khi một số sàn lớn như Bybit chưa đưa ra thông báo về việc này.
Một smartphone hiển thị giao dịch tiền ảo Pi thử nghiệm vào năm 2023. Ảnh: Bảo Lâm
Trong bài đăng, Ben Zhou nhắc đến việc trước đây ông từng làm giao dịch ngoại hối và rất khó khăn để kiếm tiền, nhưng sau đó thường xuyên bị những người lớn tuổi chăng biểu ngữ đòi lại. "Tôi thực sự không muốn tham gia thế giới của tiền số này. Hãy tránh xa", Zhou nói thêm.
Bài đăng của CEO Bybit đi kèm theo một bài phân tích về dự án Pi Network từ chuyên gia Haotian CryptoInsight sau khi một số sàn niêm yết Pi.
Haotian cho rằng Pi Network đặc biệt phổ biến ở các thị trường có trình độ hiểu biết về tài chính chưa cao, cùng những khẩu hiệu kiểu "một Pi bằng một Bitcoin" đã góp phần khiến nhiều người hiểu sai về giá trị thực sự của nó. Phản ứng của thị trường với việc niêm yết một đồng tiền số càng dữ dội, càng cho thấy chúng có nhiều vấn đề.
Chuyên gia này cũng ám chỉ việc các sàn tiền số chọn niêm yết Pi, nhưng lại bỏ qua nhiều đồng tiền số có tính công nghệ, có thể là dấu hiệu của việc thanh khoản trên thị trường dần cạn kiệt và các sàn cần tìm những dự án thu hút người dùng mới.
"Về cơ bản, đây là trò chơi xem ai 'rút nhanh', và ai cũng nghĩ mình sẽ nhanh hơn người khác", Haotian nói.
Trong bài đăng của Ben Zhou và Haotian, nhiều người cũng đưa ra ý kiến trái chiều. "Chắc Bybit không được Pi Network cho niêm yết nên mới nói vậy", một tài khoản với ảnh đại diện là logo của Pi Network bình luận.
Pi Network là dự án ra đời từ năm 2019, được quảng cáo là giúp người dùng sở hữu tiền ảo Pi miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại "bấm tia sét" để điểm danh mỗi ngày. Việt Nam là một trong những thị trường có nhiều người tham gia "đào Pi". Theo thống kê của Similarweb, Việt Nam liên tục trong top 3 lượng truy cập website dự án.
Tuy nhiên, dự án gây tranh cãi khi duy trì thời gian dài "mainnet kín", tức người dùng không thể làm gì với đồng Pi đang sở hữu. Dự án tuyên bố có hơn 60 triệu người dùng.
Việc "mở mạng" vào ngày 20/2 có nghĩa số Pi trên điện thoại có thể di chuyển sang các nền tảng các để trao đổi, giao dịch. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh việc xác minh danh tính, chuyển Pi thường xuyên gặp lỗi, yêu cầu người dùng chờ đợi nhiều tháng. Cơ quan chức năng trong nước cũng cảnh báo hoạt động của Pi có dấu hiệu của việc lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh dạng đa cấp, khuyến nghị người dân cần thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường.
Giá tiền ảo Pi dạng "ghi nợ" trên một số sàn giao dịch tăng gấp đôi sau thông tin Pi Network "mở mạng", nhưng nhiều...