Có gì trong ngôi nhà trú bão hình boong tàu tại Quảng Ngãi được xây dựng với kinh phí 1,5 tỷ đồng?
Chứng kiến nhiều trận bão lớn tại quê hương đã cuốn trôi nhiều tài sản, nhà cửa, anh Truyền quyết định xây ngôi nhà trú bão kiên cố cho mẹ và anh em, hàng xóm.
Là một kiến trúc sư, anh Phạm Thanh Truyền đã quyết định xây ngôi nhà trú bão tại quê nhà thuộc huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) từ năm 2020.
“Tôi chứng kiến nhiều trận bão lớn tại quê hương, cuốn trôi nhiều tài sản, thậm chí gây sập nhà cửa nên muốn làm một nơi trú bão kiên cố, an toàn trước hết là cho mẹ, sau đó là cho anh chị em, hàng xóm”, anh nói.
Ngôi nhà này rộng 150m2, nằm cạnh ngôi nhà thờ của gia đình. Ngôi nhà được xây dựng trong vòng 3 tháng với chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng toàn bộ bằng tường chịu lực dày 200 mm, sàn bê tông cốt thép hai lớp có tác dụng cách nhiệt, chống nóng.
Với kiến trúc tương phản với nhà thờ cổ của gia tộc bên cạnh, anh Truyền thiết kế ngôi nhà trú bão với màu trắng là chủ đạo, bo tròn các góc cạnh, mô phỏng hình tượng một boong tàu vững chãi.
Kiến trúc sư này đã thiết kế hiên rộng 3m chạy xung quanh không gian lõi chính của ngôi nhà. Cách thiết kế này với mục đích nếu số lượng người trú ẩn quá đông, phòng ngủ không đáp ứng nhu cầu thì có thể sử dụng phần hiên này.
Lõi công năng được nằm giữa, xung quanh có không gian đệm bao bọc khiến căn nhà luôn ấm về mùa đông, mát vào mùa hè, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài.
Anh Truyền đã tính toán kỹ các hướng nắng bất lợi, các hướng gió chính của bão để gia cường, khắc chế những điều bất lợi xảy ra do thời tiết. Cụ thể, gió bão miền Trung thường thổi từ hướng Bắc về hướng Nam nên tất cả hệ cửa sổ ở hướng Bắc đều dùng cửa lùa, hạn chế va đập với tường và vật dụng xung quanh.
Phòng ngủ chung cũng được anh thiết kế giống như cấu trúc trên boong tàu, tối ưu không gian với 8 giường tầng, sức chứa lên đến 16 người.
Sân thượng được thiết kế sàn 2 lớp, có 1 "lớp áo" phủ thêm bên trên. Lớp sàn bên dưới chống thấm và tạo độ dốc tốt, sau đó chồng thêm 1 lớp đan bên trên, cách và hở lớp sàn thứ nhất 10cm. Đây là cách làm vừa chống nóng tốt, vừa là lớp bảo vệ sàn sân thượng cực tốt.
Các cảnh cửa trong nhà đều được bo cong và sử dụng màu xanh dương để thể hiện rõ ý đồ giống như trên boong tàu của kiến trúc sư.
“Tôi thiết kế có 2 khu vệ sinh: khu trong nhà và khu bên ngoài để đáp ứng số lượng lớn người đến trú bão. Với khu bên ngoài có 4 nhà vệ sinh, tôi sử dụng xi măng quét chống thấm, vừa kinh tế vừa chống trơn trượt, bền và ít nguy hiểm khi bão lớn”, anh nói.
Xung quanh nhà, anh trồng nhiều cây xanh. Vào mùa hè, chúng có tác dụng cải thiện vi khí hậu, giảm nhiệt độ không gian sống, đồng thời cũng giúp chắn và giảm áp lực gió trực tiếp lên ngôi nhà.
Theo tính toán, ngôi nhà có thể chịu được bão cấp 13 và sức chứa lên đến 100 người trong nhiều ngày với đầy đủ tiện nghi.
Sau 2 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, anh Phạm Thanh Truyền cho biết ngôi nhà trú bão này vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu hư tổn nào bởi tác động của thiên nhiên. Hiện, anh vẫn đang chờ thử thách từ những cơn bão lớn hơn, mưa lớn hơn để xem sự chống chọi của ngôi nhà ra sao.
Có ý kiến cho rằng ngôi nhà tránh bão với ngôi nhà thờ bên cạnh không ăn nhập vào nhau về kiến trúc. Anh cho biết anh thiết kế theo sự tương phản của 2 công trình có niên đại, công năng khác nhau. Sự tương phản này giúp tôn vinh lẫn nhau giữa 2 công trình có sự khác biệt khi đứng cạnh nhau. Cụ thể hơn, khi chạy trú bão, người cần nơi ẩn nấp khẩn cấp có thể phân biệt được ngay khi vừa đặt chân tới công trình.