Chia sẻ

Hẹn hò bằng tiền tài trợ của nhà nước

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Hàn Quốc - Lee Eun-jin, thợ pha chế ở Seoul, rất sợ cha mẹ phát hiện các chương trình hẹn hò kèm tiền thưởng của chính quyền nhằm khuyến khích người trẻ kết hôn.

"Họ sẽ bắt tôi đăng ký cho mà xem", cô nói.

Tại Hàn Quốc, quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới (trung bình 0,75 con/phụ nữ), các địa phương đang triển khai hàng loạt biện pháp để đảo ngược xu hướng, từ dịch vụ mai mối, tăng tiền mặt cho các cặp cưới nhau, cho tới nghỉ thai sản dài hơn.

Công ty xây dựng Booyoung Group trả cho nhân viên khoảng 75.000 USD mỗi lần sinh con. Ảnh: Yonhap News/Zuma Press

Công ty xây dựng Booyoung Group trả cho nhân viên khoảng 75.000 USD mỗi lần sinh con. Ảnh: Yonhap News/Zuma Press

Hàn Quốc một quốc gia rất truyền thống trong hôn nhân, chưa đến 5% số ca sinh xảy ra ngoài hôn nhân nên thúc đẩy việc hẹn hò, kết hôn là cách duy nhất để tăng tỷ lệ sinh ở nước này.

Quận Saha-gu, ở thành phố Busan tặng khoảng 340 USD cho các cặp tham gia sự kiện mai mối và hẹn hò. Nếu họ tiến tới hôn nhân sẽ nhận 14.000 USD tiền mặt, trợ cấp nhà ở, chi phí y tế thai kỳ, thậm chí du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay chưa ai nhận khoản thưởng này.

Công ty xây dựng Booyoung Group ở Seoul thậm chí chi 75.000 USD cho mỗi lần nhân viên sinh con. Nhà thờ Yoido Full Gospel tại Seoul cũng tặng 1.380 USD cho mỗi ca sinh nở của giáo dân.

Nhưng tiền không đủ thuyết phục giới trẻ kết hôn.

Theo một khảo sát gần đây, khoảng 60% người Hàn đang đi làm cho rằng "không kết hôn cũng chẳng sao". Nhiều người không thấy cần thiết phải lập gia đình, trong khi chi phí sống leo thang, giờ làm việc dài cùng áp lực xã hội khiến họ càng nản. Phụ nữ còn chịu thêm rào cản khi muốn quay lại công việc sau khi sinh con.

Nam giới tỏ ra nhiệt tình hơn với các chương trình mai mối được tài trợ nhưng nhiều địa phương vẫn phải hủy sự kiện vì không đủ phụ nữ đăng ký.

Từ 2022 đến tháng 8/2024, khoảng 42 địa phương tổ chức chương trình hẹn hò kèm phát tiền thưởng. Trong gần 4.000 người tham gia, chỉ có 24 cặp đi đến kết hôn, theo báo cáo của nghị sĩ Lee Yeon-hee. Bà gọi các sáng kiến này là "chiêu trò đánh bóng tên tuổi" và "đáng xấu hổ".

Luật sư Shin Dong-woo ngần ngại khi đăng ký tham gia sự kiện mai mối ngày lễ tình nhân do chính phủ tổ chức. Ảnh: WSJ

Luật sư Shin Dong-woo ngần ngại khi đăng ký tham gia sự kiện mai mối ngày lễ tình nhân do chính phủ tổ chức. Ảnh: WSJ

Lee Eun-jin đã quen với cảnh bố mẹ nhắc cô yêu đương, cưới xin trong mỗi bữa cơm. Cô không hẹn hò gần hai năm nay. "Tiền bạc không thể thay đổi được ý định của tôi", cô nói.

Shin Dong-woo, 37 tuổi, từng trì hoãn kết hôn nhiều năm trở thành luật sư. Giờ anh có văn phòng riêng tại Seoul, công việc ổn định. Khi bạn rủ đăng ký sự kiện mai mối dịp Valentine của chính phủ, anh chần chừ vì nghĩ đến đống thủ tục xác minh danh tính, chỗ ở, việc làm.

"Nghe thì đơn giản nhưng rắc rối lắm", anh nói. Cuối cùng, Shin vẫn tham gia.

Trong hội trường treo tranh nghệ thuật, các ứng viên phải nhìn vào mắt nhau 10 giây để "thử phản ứng hóa học". Sau đó là trò chuyện 5 phút với 15 người khác giới, ăn tối kết hợp chơi bingo, rồi chọn ra ba người mình thấy hợp nhất.

Chính quyền Seoul còn tặng vé xem triển lãm, voucher nhà hàng để giúp các cặp gắn bó sau sự kiện. Shin có ghép đôi thành công, nhưng chỉ hai tuần sau họ đã không còn liên lạc.

Dù vậy, các nhà tổ chức không bỏ cuộc. Cứ hai tháng một lần, nhân viên chính quyền thành phố Daegu Kim Seon-mi lại khảo sát các địa điểm lãng mạn, trang trí hoa tươi và băng rôn. Sau đó cô mời 10 nam, 10 nữ đã được chọn lọc kỹ, thuê huấn luyện viên tình cảm để "đẩy thuyền". Trong 9 năm qua, nhóm của cô đã se duyên thành công cho 179 cặp nên duyên vợ chồng. Các ngân hàng, bệnh viện và công ty tổ chức sự kiện còn tặng quà cưới, giảm giá dịch vụ để khuyến khích họ sinh con.

"Ngay từ đầu, chúng tôi đã coi đây là chính sách dân số", cô nói.

Một số người hưởng lợi ở một mức độ nào đó từ các chương trình của nhà nước. Lee Seyun, 30 tuổi, làm trong lĩnh vực marketing, từng tham gia sự kiện mai mối hồi tháng 11 ở Seoul. Sau các trò chơi làm quen, đồ uống không giới hạn và du thuyền trên sông Hàn, cô vẫn không tìm được người phù hợp.

Nhưng ở buổi tiệc sau đó, cô gặp một người đàn ông chưa có cơ hội trò chuyện trong sự kiện và giờ đang hẹn hò. Vì không chính thức kết đôi tại sự kiện, cô không được nhận phần thưởng, song Lee không quan tâm.

"Tôi chỉ muốn tìm được người tử tế", cô nói.

Kim Min-ki gặp vợ mình Shin Seona thông qua chương trình mai mối của chính phủ. Ảnh: WSJ

Kim Min-ki gặp vợ mình Shin Seona thông qua chương trình mai mối của chính phủ. Ảnh: WSJ

Ở Daegu, thầy giáo Kim Min-ki cũng lấy được vợ Shin Seona trong chương trình "Tàu lượn tình yêu" do chính quyền tổ chức.

Anh kể khi đến sớm 30 phút, người đầu tiên nhìn thấy là một phụ nữ cao ráo mặc váy xanh, cũng là giáo viên, tên Seona. Họ bắt chuyện, rồi tham gia các hoạt động như nghe chuyên gia giảng về tình cảm, hẹn hò tốc độ và dã ngoại công viên giải trí.

Cuối ngày, họ đã nói về số con muốn sinh. "Lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ đến kết hôn", Shin nhớ lại. Sáu tháng sau họ cưới và giờ có một cậu con trai.

Chính quyền từng đề nghị tặng địa điểm cưới ở công viên công cộng bên hồ, nhưng cặp vợ chồng đã chọn một không gian khác để tôn vinh tình yêu của mình.

Nếu bà mối, ông mai se duyên thành công cho một cặp đôi, họ sẽ được thưởng từ 600 - 1.000 nhân dân tệ (khoảng 2 triệu - 3,4 triệu đồng).

Theo Bảo Nhiên (Theo WSJ) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Tình yêu giới trẻ hiện nay

Xem Thêm