Gen Z tham gia diễu binh, diễu hành đại lễ 30/4: Mỗi bước chân là một nhịp tự hào
Gen Z góp mặt trong đại lễ 30/4 bằng trái tim yêu nước, từng bước diễu hành là nhịp đập tự hào, nhắc nhớ về ký ức và khát vọng Việt Nam.
TP.HCM những ngày này đặc biệt rực rỡ trong cờ hoa và khí thế hào hùng từ các buổi tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành. Đại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) không chỉ là sự kiện mang tầm vóc quốc gia, mà còn là hành trình cảm xúc của những người trẻ đang chung tay viết nên một bản hòa ca tự hào về lịch sử dân tộc.
Quốc kỳ tung bay, xuất hiện trên khắp các truyến đường, tòa nhà ở trung tâm TP.HCM.
Không khí rộn ràng được cảm nhận tại các tuyến đường trung tâm TP.HCM, nơi mỗi bước chân tập luyện là một nhịp vang lên từ quá khứ hào hùng. Nhưng phía sau những khẩu lệnh, đội hình là vô vàn câu chuyện cảm động về lòng yêu nước và nhiệt huyết tuổi trẻ.
Với thầy giáo dạy Hóa trẻ Lê Phạm Hữu Tâm, không khí của đại lễ lần này gợi nên sự xúc động mãnh liệt: "Mỗi lần nghe nhạc cách mạng vang lên cùng đoàn diễu binh, diễu hành mình lại rưng rưng". Đối với anh, ngày lễ 30/4 không chỉ là dịp kỷ niệm ngày non sông liền một dải, mà còn là bản hòa ca của lòng biết ơn, của sự tôn vinh những hy sinh của cha ông để bảo vệ nền độc lập, hòa bình hôm nay.
"Từ khắp các con hẻm, ngõ nhỏ, sắc đỏ của quốc kỳ như lan tỏa tình yêu quê hương, lòng đoàn kết của dân tộc. Mọi người còn gọi đây là "Concert quốc gia" bởi sự hoành tráng, xúc cảm và niềm tự hào", thầy giáo Gen Z bộc bạch.
Những nhịp chân tự hào
Với những người trực tiếp góp mặt trong đội hình diễu binh, diễu hành, hành trình đến với đại lễ là một quãng thời gian đầy ý nghĩa.
Anh Lê Hoàng Bảo đang tập luyện trong khối Kiều bào - chia sẻ cảm xúc vinh dự khi được tham gia sự kiện lớn của dân tộc. "Vui, hạnh phúc và cả áp lực" - Hoàng Bảo chia sẻ, hành trình này là thử thách nhưng cũng là trải nghiệm quý giá khi được đồng hành cùng những bạn trẻ khác.
Lê Hoàng Bảo hiện là sinh viên năm 2, trường Đại học Giao thông Vận tải.
Khoảnh khắc khiến Bảo xúc động nhất không chỉ đến từ tiếng vỗ tay cổ vũ của người dân hai bên đường, mà còn từ hình ảnh những người đồng hành trong khối diễu binh, diễu hành - từ các bạn nhỏ đến các bác cựu chiến binh. Không phải ai cũng bước đều hay đánh tay chuẩn xác, nhưng mỗi người đều mang theo niềm tự hào và trách nhiệm của riêng mình. Chính sự giản dị và chân thành ấy đã khiến không khí buổi luyện tập trở nên đặc biệt, một khoảnh khắc hiếm có mà Hoàng Bảo tin rằng mình khó có thể trải nghiệm lần thứ hai.
Ngày vui của cả gia đình
Anh Lê Chiến Thắng - một trong những học viên được chọn tham gia diễu binh, diễu hành của các khối thuộc lực lượng Công an Nhân dân chia sẻ cảm xúc vào buổi tối thứ 2 tổng hợp luyện trên đường Lê Duẩn: "Lúc đang diễu hành, mình nghe thấy tiếng mẹ gọi "Thắng ơi" từ bên ngoài. Mình biết rằng bố mẹ đã từ Đồng Nai lên TP.HCM để xem mình diễu hành. Cảm giác tự hào và hạnh phúc", Thắng kể.
Bố của anh Thắng từng là quân nhân, nên việc con trai được góp mặt trong buổi lễ lớn không chỉ là niềm vui cá nhân, mà còn là niềm tự hào của cả gia đình. Với Lê Chiến Thắng, khoảnh khắc bố mẹ tới theo dõi trực tiếp trở thành nguồn động lực lớn để bản thân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đại lễ của đất nước.
Khoảnh khắc các chiến sĩ chụp ảnh cùng những em nhỏ trước giờ tổng hợp luyện diễu binh, diễu hành lần 2 vào ngày 22/4. Clip: Tôn Huy.
Đại lễ 30/4 năm nay được tổ chức với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Với những người trẻ, việc được tham gia hoặc đơn giản là chứng kiến đại lễ không chỉ là một trải nghiệm đặc biệt, mà còn là dịp để thấu hiểu sâu sắc hơn về hai chữ "Tổ quốc", là dịp để mỗi công dân nghiêm trang, đặt tay lên tim và tự hào: "Tôi là người Việt Nam".
Không chỉ nam chiến sĩ, nhan sắc của dàn nữ đội hình diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam,...