Chia sẻ

Chế độ ăn, ngủ đặc biệt của đoàn ngựa kỵ binh trước ngày đại lễ 30/4

Trong hơn 1 tháng tập luyện cho cuộc diễu binh chào mừng ngày 30/4, ngựa được ăn cỏ Alfalfa – loại cỏ được mệnh danh là ‘nữ hoàng các loại cỏ’ với hàm lượng dinh dưỡng rất cao.

Ngay khi ổn định chỗ ăn, ở sau chặng đường gần 2.000km di chuyển bằng đường bộ, các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Cảnh sát cơ động kỵ binh ngay lập tức bắt tay vào việc tập luyện cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất.

Tắm 2 - 3 lần mỗi ngày

Bài tập diễu binh về cơ bản là bài tập quen thuộc của đơn vị, nhưng điều đáng lo ngại nhất là 62 chiến mã phải thích nghi với điều kiện thời tiết mới. Thời tiết miền Bắc thời điểm này, đặc biệt là ở Thái Nguyên, nơi đơn vị đóng quân, không khí khá mát mẻ, dễ chịu. Trong khi ở TPHCM đang vào cuối mùa khô, trời rất nắng nóng vào ban ngày. 

Cả 62 chiến mã và các chiến sĩ đều cảm thấy vất vả hơn khi phải thay đổi thời tiết đột ngột. 

62 ngựa nghiệp vụ được vận chuyển vào TPHCM bằng xe chuyên dụng

62 ngựa nghiệp vụ được vận chuyển vào TPHCM bằng xe chuyên dụng

Thiếu tá Phạm Minh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Chăn nuôi thú y cho biết, những ngày đầu khi mới vào, sau chuyến đi đường dài và trải qua nhiều vùng thời tiết khác nhau, một số ngựa có biểu hiện ốm, mệt mỏi. Tất cả chiến sĩ chăn nuôi, thú y gồm 21 người đã dồn lực chăm sóc, tiếp sức cho 62 chiến mã bất kể ngày đêm.

“Chúng tôi thăm khám thường xuyên cho ngựa, kể cả ban đêm cũng phân công ca trực, cứ 1-2 tiếng lại đi kiểm tra một lần. ‘Bạn’ nào có biểu hiện mệt mỏi, sẽ được bổ sung nước, muối khoáng, truyền dịch để ‘các bạn’ đảm bảo thể lực cho ngày diễu binh” – Thiếu tá Tuấn, người luôn gọi các chiến mã là “bạn”, chia sẻ.

Cùng với đó, trong chế độ ăn hằng ngày suốt hơn 1 tháng qua, đội chiến mã cũng được “kê” riêng một chế độ dinh dưỡng đặc biệt. 

“’Các bạn’ được ăn cỏ Alfalfa – loại cỏ được mệnh danh là ‘nữ hoàng các loại cỏ’, với hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Ngoài ra, ‘các bạn’ còn được ăn cám dinh dưỡng tổng hợp và bổ sung muối khoáng từ đá liếm – những viên đá được treo ở mỗi chuồng ngựa”.

Hằng ngày, chế độ ăn còn có thêm cả cỏ tươi được nhà phân phối giao tới tận nơi. Mỗi ngày đều giao cỏ mới để đảm bảo độ tươi, tránh bị lên men, ảnh hưởng tới sức khỏe của ngựa.

Cỏ tươi, cỏ Alfalfa, muối khoáng... nằm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của đoàn ngựa kỵ binh 

Cỏ tươi, cỏ Alfalfa, muối khoáng... nằm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của đoàn ngựa kỵ binh 

Với chế độ chăm sóc như vậy cộng với thể trạng vốn dẻo dai, có khả năng thích nghi tốt của giống ngựa Mông Cổ, rất nhanh chóng, 62 chiến mã đã lấy lại “phong độ” ổn định trong những ngày tập luyện vất vả dưới cái nắng của phương Nam.

Trời nắng nóng cũng khiến ngựa đổ mồ hôi nhiều hơn trong những ngày tập luyện. Vì thế, các chiến sĩ phải tắm rửa thường xuyên cho ngựa, mỗi ngày có thể lên tới 2-3 lần.

Tại chuồng trại, đơn vị cũng bố trí các quạt cây làm mát và hệ thống phun nước mang từ Thái Nguyên vào để đảm bảo nhiệt độ chuồng trại luôn thấp hơn nhiệt độ bên ngoài. 

Thượng tá Lê Sỹ Hà chia sẻ, mặc dù đến thời điểm này, sức khỏe của ngựa đã rất tốt, sẵn sàng cho lễ diễu binh nhưng không vì thế mà ban chỉ huy cho phép mình chủ quan. 

“Chúng tôi vẫn phải theo dõi nhiệt độ, thời tiết mỗi ngày, chuẩn bị phương án ứng phó cho những thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng tới sức khỏe ngựa”.

Chế độ ăn, ngủ đặc biệt của đoàn ngựa kỵ binh trước ngày đại lễ 30/4 - 3

Chế độ ăn, ngủ đặc biệt của đoàn ngựa kỵ binh trước ngày đại lễ 30/4 - 4

Chế độ ăn, ngủ đặc biệt của đoàn ngựa kỵ binh trước ngày đại lễ 30/4 - 5

21 cán bộ chăn nuôi, thú y đi cùng đoàn để chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho đoàn ngựa kỵ binh

21 cán bộ chăn nuôi, thú y đi cùng đoàn để chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho đoàn ngựa kỵ binh

Ông cho biết, sức khỏe của các chiến sĩ và các chiến mã là 2 vấn đề quan trọng nhất bây giờ. “Về người, chúng tôi đã yêu cầu bộ phận quân y phải kiểm tra chặt chẽ nguồn thực phẩm đầu vào cho các chiến sĩ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỗ ăn, ngủ thường xuyên được vệ sinh, khử trùng, khử khuẩn để đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh mang bệnh truyền nhiễm. 

Thậm chí, ban chỉ huy cũng nhắc nhở các chiến sĩ tự ý thức về việc vệ sinh, chăm sóc bản thân – cắt tóc, cạo râu, là quần áo, sao cho xuất hiện trước nhân dân với hình ảnh nghiêm trang nhất” – Thượng tá Hà chia sẻ.

Về ngựa, ông quán triệt phải đảm bảo chế độ ăn đủ dinh dưỡng, không quá nhiều cũng không quá ít. 

Mỗi chiến sĩ sẽ “hợp tính” với một con ngựa khác nhau

Cường độ tập luyện của ngựa trong thời tiết này cũng được linh hoạt điều chỉnh, không để ngựa phải tập với cường độ quá cao vào thời điểm sát ngày làm nhiệm vụ, nhưng vẫn duy trì đều đặn để ngựa không quên các phản xạ.

“Giống ngựa Mông Cổ này rất thông minh, có khả năng hiểu mệnh lệnh của người điều khiển rất tốt. Để ngựa làm được việc đó, chúng tôi phải xây dựng, thiết lập các phản xạ có điều kiện cho ngựa, tức là khi người huấn luyện tác động lên cơ thể ngựa như thế nào thì ngựa sẽ thực hiện các động tác như người điều khiển mong muốn. Bản chất đó là quá trình thiết lập phản xạ có điều kiện” – Thượng tá Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, việc huấn luyện một chú ngựa hoang vốn sống hoang dã trên các thảo nguyên của Mông Cổ chưa bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. Ngoài các yếu tố về mặt khoa học, lý thuyết, dường như mỗi chiến sĩ sẽ “hợp tính” với một con ngựa khác nhau. Sự gần gũi, hiểu nhau giữa chiến sĩ huấn luyện và chiến mã cũng quyết định đáng kể đến kết quả tập luyện trên thao trường.

Mỗi ngày, các chiến sĩ tắm, chải lông cho ngựa 2-3 lần, tùy vào điều kiện thời tiết

Mỗi ngày, các chiến sĩ tắm, chải lông cho ngựa 2-3 lần, tùy vào điều kiện thời tiết

Trung úy Nguyễn Nhựt Thiện, một người con của Sài Gòn, chia sẻ về chiến mã có tên Kajima của mình: “Tôi đã gắn bó với Kajima được hơn 5 năm. Từ một chú ngựa hoang, bây giờ Kajima rất có kỷ luật, tuân thủ hiệu lệnh 100%. Tuy nhiên, để có kết quả như bây giờ, thời gian đầu chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc làm quen, ra hiệu lệnh sao cho ngựa hiểu và tuân theo. Phải mất chừng 5-6 tháng đầu chỉ để huấn luyện ngựa đứng im theo mệnh lệnh của mình”.

Trung úy sinh năm 1995 cho biết, sở dĩ anh đặt tên cho chú ngựa của mình là Kajima vì nó có nguồn gốc từ một bài hát tiếng Hàn. “Kajima có nghĩa là ‘em đừng đi’, hàm ý mong muốn của tôi là được gắn bó dài lâu với chú ngựa mà mình được giao huấn luyện” – chiến sĩ trẻ giải thích về ý nghĩa cái tên lãng mạn mà anh đặt cho chiến mã.

Trung úy Thiện cũng chia sẻ, lần này chuyến công tác của đơn vị lại là chuyến đi trở về nơi mình sinh ra và lớn lên, anh cảm thấy rất vinh dự, tự hào vì được góp phần nhỏ bé trong thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Nhân dịp này, chỉ huy đơn vị cũng đã tạo điều kiện cho anh được về thăm nhà. 

“Tôi không phải là người Sài Gòn duy nhất trong đơn vị. Khi các đồng đội của tôi vào đây, chứng kiến sự nồng nhiệt, dễ thương của người Sài Gòn, mọi người rất vui và quý. Những hôm luyện diễu binh ngoài đường, người dân tiếp tế nước uống, quạt mát cho chúng tôi rất tình cảm, chân thành. Đó đúng là đặc tính vốn có của người Sài Gòn mà tôi từng kể cho các đồng đội nghe. Bây giờ thì anh em đã được chứng kiến tận mắt” – Trung úy chia sẻ.

Còn với Thượng tá Lê Sỹ Hà, những buổi tập được tiếp xúc với người dân đứng cổ vũ ở hai bên đường khiến anh có một cảm xúc khó tả. “Những vất vả khổ luyện trên thao trường dường như tan biến khi thấy người dân hào hứng ngóng chờ đội kỵ binh đi qua. Những khoảnh khắc ấy lại làm tôi nhớ đến câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: ‘Các anh về xôn xao làng tôi bé nhỏ. Nhà lá đơn sơ với nhưng tấm lòng rộng mở…’”.

21 chiếc xe được huy động lên đường, trong đó có 8 xe chở ngựa, 1 xe chở lương thảo, 1 xe chở dụng cụ phục vụ công tác...

Theo Nguyễn Thảo - Thạch Thảo - Phước Sáng ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
50 năm thống nhất đất nước

Xem Thêm