Đặc sản kỳ lạ ở Đà Nẵng trông như bún, ăn thanh mát, giòn ngon giống rau câu
Để thu hoạch thứ đặc sản kỳ lạ được ví như lộc trời này, người dân ở vùng cửa biển Nam Ô (Đà Nẵng) phải đem lưới thả dọc bờ sông hoặc lặn dưới độ sâu chừng 5m.
Sông Cu Đê (hay còn được gọi là sông Trường Định) nằm ở phía Tây Bắc của TP Đà Nẵng. Thượng nguồn của sông thuộc xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), còn hạ nguồn là cửa biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu).
Sở dĩ sông được gọi tên như vậy là bởi hạ nguồn của nó chảy qua làng Cu Đê. Điều đặc biệt là ở hạ nguồn sông, nơi giáp với biển Nam Ô, vào đầu hè (khoảng tháng 2 đến tháng 4 âm lịch) thường xuất hiện loài thủy sinh kỳ lạ.
Ngư dân bản địa gọi đó là "bún mẹ", còn trứng của chúng là bún sông, ví như sản vật “trời ban” vì có thể chế biến thành món ăn lạ miệng, hấp dẫn.

"Bún mẹ" có hình dáng xù xì, thân mềm, lưng xuất hiện nhiều đốm xanh, xung quanh thân có nhiều chân màu vàng cam. Khi gặp nguy hiểm, "bún mẹ" thường tiết ra chất dịch màu đen tím. Ảnh: Bếp bên sườn đồi
Ông Lê Úc – sống ở xóm Vạn (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) cho biết, sông Cu Đê là nơi sản sinh ra nhiều loại hải sản như nuốc, sứa, cá, ốc,...
Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, trên sông còn xuất hiện “bún sông”. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì chúng có hình sợi giống như bún gạo nhưng kích thước bé hơn, màu xanh lợt hoặc hơi ngả vàng, cuộn lại thành từng nắm nhỏ.
“Bún mẹ có đặc tính sinh sản trong đêm tối với số lượng lớn. Khi sinh sản, chúng đẻ nhiều dây trứng gọi là bún sông. Bún sông thường cuộn thành từng nắm màu xanh nhạt”, ông Úc nói.

Bún sông được ví như đặc sản ở Đà Nẵng. Ảnh: Đông Dân Biển
Để khai thác bún sông, người dân địa phương thường canh lúc chiều muộn, đem lưới ra thả dọc bờ sông để bẫy “bún mẹ” vào đẻ trứng. Phương pháp này khá hiệu quả vì chúng thường sinh sản ở những chỗ có nhiều vật cản.
Tuy nhiên, những người có thể lực tốt thường lặn xuống độ sâu khoảng 5m ở khu vực giữa sông rồi mò bắt bằng tay để đảm bảo bún sông không bị đứt đoạn, giữ được độ tươi, giòn, khi đem bán cũng được giá cao hơn.
Trung bình mỗi lần lặn, họ vớt được khoảng 1-2kg bún sông. Nếu bắt được “bún mẹ”, họ thu trứng xong sẽ thả chúng về lại sông. Ông Úc cho hay, "bún sông" chỉ phát triển trong môi trường nước chảy, trong và tinh khiết.
Theo kinh nghiệm và quan sát của ông, cứ năm nào bún sông vào mùa sinh sôi nảy nở mà gặp trời mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm thì năm đó, chúng sẽ biến mất, không thu hoạch được gì.
Gỏi bún sông là món ăn yêu thích của người dân ở Nam Ô. Ảnh: Nước mắm Nam Ô
Bún sông khi mới sinh sản có màu xanh nhạt, ăn rất giòn, mát, vị ngọt thanh. Còn nếu ngả sang màu vàng là bún sông đã sinh sản được 1 thời gian, không còn giữ được hương vị độc đáo ban đầu của "con bún" nữa.
Mặc dù chưa được nhiều thực khách biết đến nhưng bún sông lại là nguyên liệu chế biến món ăn khá phổ biến với các hộ dân sinh sống gần cửa biển Nam Ô.
Nhiều quán ăn, nhà hàng ở địa phương hiện cũng đưa các món ăn từ bún sông này vào thực đơn, phục vụ thực khách. Bún sông có thể biến tấu thành 1 số món tương tự như bún, bánh canh hoặc cuốn gỏi, xào, song được ưa chuộng hơn cả là gỏi.
Để làm gỏi, người ta phải chọn bún sông còn non, màu xanh nhạt, sau đó đem rửa với nước sạch nhiều lần nhằm loại bỏ rong tảo, bùn đất. Tiếp đến, đun sôi nước muối pha loãng, cho bún sông vào trụng sơ rồi vớt ra để ráo.
Bún sông có vị giòn ngọt, thanh mát, ăn sần sật khá giống rau câu. Ảnh: Cải Nguyễn
Tùy điều kiện từng nhà và sở thích từng người mà người ta trộn bún sông với nước mắm tỏi ớt, cùng các nguyên liệu khác nhau như tôm đất, thịt ba chỉ, dứa (thơm), dưa leo xắt mỏng, cà rốt thái sợi, rau thơm, lạc rang,…
“Bí quyết làm gỏi bún sông ngon nằm ở khâu trộn. Các nguyên liệu sau khi sơ chế hoặc làm chín thì phải để nguội rồi mới trộn đều tay.
Nếu trộn lúc còn nóng thì dễ làm mất đi màu xanh tự nhiên của sợi bún sông, đồng thời khiến bún bị mềm, mất độ giòn ngon”, chị Kiều Giang – chủ 1 quán ăn địa phương ở quận Liên Chiểu, cho hay.
Chị Giang nhận xét, bún sông có hương vị lạ miệng, khác biệt hẳn so với các loại rong nho, tảo biển thường thấy. Món ăn này có vị ngọt nhẹ, thanh mát, khi ăn cảm giác giòn sần sật giống rau câu.
Vào mùa hè, trong tiết trời oi nóng, bún sông càng được yêu thích nhờ công dụng giải nhiệt, trẻ con hay người lớn đều có thể thưởng thức.
Dù vẻ ngoài kém hấp dẫn và cần nhiều công sức, thời gian để sơ chế nhưng ruốc sông vẫn được xem như đặc sản hút khách ở...